Thứ ba, 14/1/2025
Thứ bảy, 10/2/2024, 16:02 (GMT+7)

Thế giới trong ngày đầu năm Giáp Thìn

Người dân các nước đi chùa, tham gia lễ hội để cầu an lành, may mắn trong ngày đầu năm mới Âm lịch 2024.

Người đi chùa hóa hương tại chùa Phật giáo Tây Tạng Ung Hòa Cung ở Bắc Kinh ngày mùng 1 Tết.

Trong bài phát biểu chúc mừng năm mới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rồng là thú thần, là loài vật tượng trưng cho sự mạnh mẽ, không biết sợ hãi và có lòng khoan dung.

Ông hy vọng người dân Trung Quốc khắp thế giới sẽ tiên phong, tiến lên phía trước bằng sự nỗ lực và cống hiến, cùng nhau viết chương mới trong công cuộc hiện đại hóa Trung Quốc.

Người dân Trung Quốc mặc đồ màu đỏ, màu sắc tượng trưng cho may mắn, tại bến Thượng Hải.

Người biểu diễn cà kheo trong lễ hội mừng năm mới ở đền Đông Nhạc, Bắc Kinh. Ngôi đền Đạo giáo rộng 60.000 m2 là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, xây dựng từ năm 1319.

Người dân ở Hong Kong treo ước nguyện lên cây cầu phúc.

Người dân xếp hàng chờ dâng hương trong ngôi chùa ở Cơ Long, Đài Loan.

Trẻ em Triều Tiên thả diều ở quảng trường Kim Nhật Thành tại thủ đô Bình Nhưỡng.

Người dân Triều Tiên thường nấu các món ăn truyền thống như súp bánh gạo, chơi trò chơi dân gian vào ngày Tết, một trong những dịp lễ quan trọng nhất của đất nước.

Họ cũng thường đến thăm Cung điện Kumsusan hoặc viếng tượng hai nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il để bày tỏ lòng kính trọng.

Cô gái cầm hương cầu nguyện trong một ngôi đền nhỏ ở Jakarta.

Dù là quốc gia có cộng đồng người Hồi giáo lớn nhất thế giới, Indonesia vẫn coi Tết âm lịch là ngày lễ quốc gia. Cộng đồng người gốc Hoa chiếm khoảng 1,2% dân số Indonesia, là cộng đồng người gốc Hoa ở nước ngoài lớn thứ tư thế giới.

Cộng đồng người Hoa ở Myanmar múa lân rước rồng dọc một khu phố ở Chinatown, Yangon.

Nghệ sĩ phun lửa trên đường phố ở Binondo, khu Chinatown tại Manila, Philippines. Đây là khu phố người Hoa lâu đời nhất thế giới, thành lập từ năm 1594. Khu phố rộng 0,66 km2 với dân số hơn 20.000 người.

Người dân Malaysia chui dưới gầm bàn cầu an trong ngày đầu năm mới ở đền Sin Sze Si Ya, trung tâm thủ đô Kuala Lumpur.

Khoảng 25% dân số Malaysia là người gốc Hoa, nên Tết Nguyên đán là dịp rất quan trọng ở nước này. Người Malaysia cũng có những phong tục Tết như lì xì, đoàn tụ gia đình, chúc tết, múa lân và bắn pháo hoa.

Người dân Mỹ hòa cùng niềm vui đón Tết với cộng đồng người gốc Á ở Philadelphia, Pennsylvania.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gửi lời chúc Tết đến bạn bè thế giới, bày tỏ dịp lễ này "đánh dấu thời gian để suy ngẫm, hy vọng và đoàn kết ở nước Mỹ cũng như khắp thế giới". Ông cầu chúc năm mới "hạnh phúc, an khang, thịnh vượng cho tất cả mọi người".

"Trong năm Rồng, chúng ta hãy phát huy những phẩm chất mà biểu tượng này thể hiện, đó là sự mạnh mẽ và kiên cường", ông Blinken nhấn mạnh.

Ảnh: AFP/Reuters