Cơ quan giám sát biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus (C3S) ngày 8/7 cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu tháng 6 vừa qua là 16,6 độ C, cao hơn 0,67 độ C so với mức nhiệt trung bình của tháng này trong 30 năm.
Mức nhiệt này đã phá kỷ lục về tháng 6 nóng nhất hồi năm ngoái và khiến tháng 6 năm nay là tháng có nhiệt độ cao thứ ba kể từ năm 1940, chỉ sau mức nhiệt của tháng 7 và tháng 8/2023.
Một số nhà khoa học nhận định dữ liệu mới nhất cho thấy năm 2024 có thể vượt qua năm 2023 để trở thành năm nóng nhất kể từ khi thế giới bắt đầu ghi nhận số liệu nhiệt độ toàn cầu vào giữa những năm 1800. Điều này do biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino gây ra.
"Tôi ước tính có 95% khả năng năm 2024 sẽ phá kỷ lục của năm 2023", Zeke Hausfather, nhà khoa học nghiên cứu tại Berkeley Earth, tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ chuyên phân tích dữ liệu nhiệt độ, nói.
Friederike Otto, nhà khoa học khí hậu tại Viện Grantham của Đại học Hoàng gia London, cũng nhận định có khả năng cao năm 2024 sẽ trở thành năm nóng kỷ lục.
Biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều hậu quả trên toàn thế giới trong năm nay. Tháng trước, hơn 1.000 người đã thiệt mạng vì hành hương tới Thánh địa Mecca giữa thời tiết nắng nóng. Khu vực thủ đô New Delhi, Ấn Độ, cũng ghi nhận nhiều ca tử vong vì nắng nóng.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)