"Tôi bước vào Horizon World - một thế giới choáng ngợp nhưng buồn tẻ. Trước mặt là chiếc bánh mì kẹp khổng lồ nằm trên đỉnh tòa nhà hình tròn, bên trong là sân bóng rổ Wendyverse trống rỗng. Nó được thiết kế để là nơi tụ họp cho người dùng trẻ tuổi vũ trụ ảo của chuỗi đồ ăn nhanh Wendy's", Gareth Corfield, phóng viên của Telegraph, mô tả metaverse của Meta.
Trải nghiệm của Corfield cho thấy vũ trụ ảo của Meta sau một năm vẫn là một thế giới hoang vu và ít người quan tâm.
Cách đây một năm, Mark Zuckerberg khẳng định metaverse sẽ là cuộc sống thứ hai của con người, nơi diễn ra mọi thứ như trong đời thực, từ họp hành đến giải trí ảo. Còn theo Nick Clegg, cánh tay phải của Zuckerberg, metaverse là sự tiến hóa hợp lý: "Đó là thế hệ tiếp theo của Internet - nơi trải nghiệm 3D sống động hơn. Đặc trưng của nó sẽ cảm giác hiện diện, như bạn đang ở ngay đó".
Thời gian qua, Zuckerberg cho thấy ông không nói chơi, khi tiêu tốn hàng chục tỷ USD cho metavserse. Bên cạnh Horizon World, ông cũng tập trung nhiều hơn cho Reality Labs, bộ phận chuyên nghiên cứu các công nghệ thực tế ảo, cũng như sản xuất các thiết bị liên quan như kính VR Oculus.
Dù vậy, báo cáo tài chính hàng quý của Meta cho thấy Reality Labs luôn trong tình trạng thua lỗ. Trong quý II/2022, bộ phận này đạt doanh thu 285 triệu USD, trong khi khoản lỗ được ghi nhận là 3,67 tỷ USD. Từ đầu năm đến nay, Reality Labs lỗ 9,4 tỷ USD và đang chưa thấy có dấu hiệu dừng lại.
Horizon Worlds ra mắt tháng 12/2021, là một trong những sản phẩm chính phục vụ cho tham vọng vũ trụ ảo của Meta. Tương tự Roblox hay Minecraft, Horizon Worlds cho phép xây dựng môi trường ảo tùy chỉnh, sau đó trải nghiệm dưới dạng avatar không chân. Tính đến tháng 2, người dùng hàng tháng của nền tảng tăng lên 300.000, nhưng sau đó đi xuống.
"Nhiều báo cáo cho thấy Horizon Worlds mang lại trải nghiệm kém và việc sử dụng chỉ tập trung vào các trò chơi", Paolo Pescatore, nhà phân tích chiến lược truyền thông của PP Foresight, nhận xét. "Còn hầu hết hoạt động liên quan đến thương hiệu đều vắng vẻ và cô đơn. Cùng với đó, việc thiếu đi các thương hiệu nổi tiếng có quy mô toàn cầu là thách thức lớn phía trước".
Phía Meta cho biết nền kinh tế metaverse có thể trị giá hơn 3.000 tỷ USD vào năm 2031 và sự đóng góp của các thương hiệu lớn vô cùng quan trọng. "Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với những công ty lớn và luôn đổi mới, như Microsoft, Accenture hay Prada, để xây dựng trải nghiệm thú vị. Những doanh nghiệp khác cũng sẽ xuất hiện ở metaverse trong tương lai", đại diện Meta nói.
Theo một nghiên cứu của Zipline hồi tháng 6, 85% số người được hỏi thuộc Gen Z thờ ơ với các thương hiệu tham gia metaverse. Trong khi đó, tài liệu nội bộ Wall Street Journal thu thập được cho thấy hiện có ít hơn 200.000 người dùng tham gia Horizon Worlds mỗi tháng.
Meta không phải công ty duy nhất cố gắng lôi kéo các thương hiệu. Heineken tạo cửa hàng riêng ở Decentraland, thương hiệu thời trang Nike có trong Roblox - nền tảng trò chơi điện tử có gần 60 triệu người chơi. Nike cho biết khoảng 7 triệu người đã ghé thăm cửa hàng cho đến nay.
Tuy nhiên, không phải thương hiệu nào cũng thất bại khi tham gia Horizon Worlds. Les Mills, một công ty thể dục, cho biết đã thiết kế một ứng dụng thể dục thực tế ảo sử dụng tai nghe Meta Quest và thu hút lượng người dùng đáng kể. Andrew Bosworth, đứng đầu mảng công nghệ của Meta, cho biết có 33 game thực tế ảo cho kính VR của Meta và đạt hơn 10 triệu USD doanh thu.
Lewis Smithington, chuyên gia tại Media Monks, đánh giá metaverse tương lai sẽ là mảnh đất màu mỡ. Dù vậy, ông cho rằng các công ty cần cho người dùng lý do để bước vào vũ trụ ảo. "Các công ty có thể xây dựng thương hiệu trong vũ trụ ảo, nhưng đừng vội nghĩ người dùng sẽ sớm tham gia", Smithington nói.
Bảo Lâm (theo Telegraph)