Lisa Hedman, Trưởng nhóm Cung ứng và Tiếp cận thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết 80% trong số 53 quốc gia được thu thập dữ liệu đang thiếu kháng sinh amoxicillin.
Giới chức Anh "thiếu hụt nghiêm trọng" kháng sinh vào tuần trước và cho phép các dược sĩ kê đơn các loại thuốc thay thế sau khi số ca nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A gia tăng. Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận ở Mỹ và Canada. 25 trong số 27 quốc gia thành viên EU báo cáo khan hiếm nguồn cung một số loại kháng sinh được Cơ quan Dược phẩm châu Âu cấp phép.
Bà Hedman cho biết tác động ở những quốc gia nhỏ hơn ít được biết đến, song họ có thể bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt nếu đồng tiền mất giá và chính phủ cần mua thuốc trên thị trường mở.
Trong thời kỳ đại dịch, nhu cầu về thuốc kháng sinh thấp hơn. Áp lực đối với chuỗi cung ứng cũng khiến các công ty hạn chế sản xuất. Tuy nhiên, khi nhiều quốc gia trải qua mùa đông đầu tiên trong thời kỳ "bình thường mới", áp lực nguồn cung và yêu cầu pháp lý khiến các công ty khó mở rộng quy mô hoặc xử lý tình trạng thiếu hụt, các chuyên gia y tế cho biết.
Theo bà Hedman, nguyên nhân khác là "các quốc gia không lường trước được bệnh nhiễm trùng đường hô hấp sẽ tấn công ngay năm đầu tiên bỏ quy định khẩu trang".
Các nhà sản xuất kháng sinh khó dự đoán chính xác nhu cầu của người dùng trong mùa đông này, đặc biệt với các phương pháp điều trị như dung dịch kháng sinh dạng lỏng cho trẻ em.
"Bạn có thể dự đoán về đợt lây nhiễm, nhưng không thể biết trước nhu cầu của trẻ nhỏ", Adrian van den Hoven, Tổng giám đốc Hiệp hội Các nhà Sản xuất thuốc gốc châu Âu, cho biết.
Dušan Jasovský, dược sĩ tại nhóm viện trợ Médecins Sans Frontières, nhận định cạn kiệt nguồn dự trữ kháng sinh chỉ là một phần của thách thức mang tính hệ thống, ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng, từ nhà phân phối đến nhà sản xuất.
Ông giải thích, hầu hết thành phần thô của dược phẩm thế giới đều bắt nguồn từ Trung Quốc và Ấn Độ. Có rất ít thông tin về những thành phần này, bởi quy trình sản xuất trên toàn thế giới được coi là tin độc quyền, chỉ cơ quan quản lý mới nắm được.
"Điều này khiến việc đánh giá rủi ro, xác định những khu vực dễ tổn thương trở nên khó khăn hơn", ông nói.
Chuỗi cung ứng kháng sinh, từ khâu sản xuất đến phân phối có thể mất tới 6 tháng. Tuy nhiên, theo Rajiv Shah, Giám đốc điều hành công ty Dược phẩm Sigma, quá trình kiểm tra bổ sung khiến các nhà sản xuất mất nhiều thời gian hơn để khởi động lại các dây chuyền bị đình trệ hoặc thu hẹp trong khoảng thời gian đại dịch.
Thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh phổ hẹp, đặc trị để ngăn chặn sự phát triển của siêu vi khuẩn kháng thuốc. Bằng cách nhắm mục tiêu vào các vi khuẩn cụ thể, phương pháp này làm giảm khả năng kháng kháng sinh.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt khiến bác sĩ và dược sự phải kê đơn kháng sinh phổ rộng, thường dành cho các bệnh nhiễm trùng không thể chữa khỏi bằng loại phổ hẹp. Việc kê kháng sinh phổ rộng cho bệnh nhẹ dẫn đến các vấn đề về sức đề kháng, Lorenzo Moja, nhà khoa học của WHO nói. Thiếu thuốc kéo dài gây ra hiện tượng "quán tính" theo đơn, trong đó một số bác sĩ cảm thấy khó có thể quay lại kê đơn như cũ sau khi tình trạng thiếu hụt giảm bớt. Điều này làm gia tăng tỷ lệ vi khuẩn khó chữa.
Thục Linh (Theo Financial Times)