Chiều 9/1, ông Nguyễn Minh Thảo, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Umbala Network, đã chia sẻ chủ đề "Nền kinh tế eye vision computing 4.0" trong khuôn khổ hội thảo công nghệ Smart Tech for Smart Living - Công nghệ thông minh cho cuộc sống thông minh do báo VnExpress tổ chức.
Với 8 năm xây dựng những ứng dụng liên quan đến nền tảng trực tuyến cho camera, ông Thảo đưa ra bức tranh toàn cảnh lẫn các dự đoán về tương lai của thị giác máy tính. "Đến năm 2022, thế giới sẽ tồn tại 45 tỷ chiếc camera, tương đương mỗi cư dân trên thế giới sẽ được hơn bốn camera thu lại hình ảnh", ông cho biết.
Công nghệ camera gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế. Cụ thể, thời kỳ đầu tiên là khi con người bắt đầu có điện thoại thông minh. Họ làm quen với thao tác chụp hình và lưu trữ. Tiếp theo là thời kỳ của ảnh selfie, tạo nhu cầu đăng tải ảnh và từ đó các mạng xã hội như Facebook, Instagram ra đời, trở thành những công ty khổng lồ trên thế giới.
Gần đây nhất là thời kỳ của livestream - phát sóng trực tiếp. Ở Trung Quốc, không ít startup trị giá hàng tỷ USD chỉ để phục vụ cho người dùng livestream, hoặc phát trực tiếp video bán hàng.
Với nền kinh tế 4.0 gắn liền với blockchain, đi cùng sự phát triển của công nghệ AI, VR và AR, con người hướng tới thời kỳ dữ liệu camera trở thành một trong những loại dữ liệu quan trọng nhất, có sức ảnh hưởng toàn thế giới và tạo ra nền tảng kinh doanh chưa từng có. Điều này đến từ ưu thế của camera, không chỉ khả năng ghi lại hình ảnh, quan trọng hơn người dùng còn có thể tương tác với màn hình camera. Người với người có thể nhìn nhau, giao tiếp... theo thời gian thực.
Ông Thảo lấy ví dụ, có thể áp dụng tương tác trên màn hình livestream để ứng dụng vào thương mại điện tử hoặc các nhà sản xuất truyền hình có thể ứng dụng eye vision để tăng tương tác với khán giả. "Một công ty mô hình 3D có thể tạo ra những nhân vật giống hệt như thật và xuất hiện ở địa điểm khác như trong phim Hollywood. Các bạn trẻ cầm camera quét mã thì nghệ sĩ 3D sẽ xuất hiện để nói chuyện với họ", vị chuyên gia chia sẻ.
Một ứng dụng khác của công nghệ eye vision là thị trường bán lẻ Mỹ tương đối lớn nhưng online chỉ chiếm 10%, còn lại là mua hàng trực tiếp vì người dùng chú trọng trải nghiệm thực rồi mới quyết định chi tiền. Với công nghệ camera, khi dùng điện thoại quét qua mặt hàng nào, người dùng có thể nhận được thông tin liên quan đến sản phẩm đó, từ hướng dẫn sử dụng, hình ảnh những người nổi tiếng đã dùng...
"Chúng ta ra đường gặp một bạn mang vòng tay rất xinh mà chúng ta muốn mua vòng tay đó. Với công nghệ eye vision, chúng ta có thể chụp ảnh vòng tay để biết được sản phẩm giá bao nhiêu, ở đâu bán, có gần chỗ mình không", chuyên gia nhấn mạnh.
Eye vision còn tăng khả năng cảm nhận thực tế sản phẩm cho khách hàng, từ đó các nhà bán hàng có thể chốt đơn hàng nhanh chóng hơn. Các đơn vị bất động sản có thể xây dựng hệ thống camera quanh công trình, cho phép người dùng truy cập để theo dõi tiến độ, còn người bán có thể nói cho họ giá trị dự án như thế nào, tiềm năng ra sao... Những người muốn mua nhà từ xa cũng có thể xem dễ dàng.
Nhận định về khả năng ứng dụng tại Việt Nam, ông Thảo cho biết Đông Nam Á là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, hầu như tất cả người dân đều có smartphone và Việt Nam còn có dân số trẻ.
"Việt Nam là một trong những trung tâm phát triển mới của khu vực và thế giới. Nhiều công ty ngoại như Nhật Bản, Hàn Quốc... đã đến Việt Nam tìm kiếm đối tác. Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng cơ hội để ứng dụng công nghệ eye vision, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường", Giám đốc Umbala Network cho biết.
Bảo An