Thông thường, việc các chính trị gia bắt đầu dùng lòng yêu nước để thu hút cử tri không bao giờ là 1 dấu hiệu tốt. Nhằm bảo vệ cho quyết định tăng thuế thu nhập cá nhân lên tới 75% được chính phủ mới đưa ra, Pierre Moscovici, Bộ trưởng bộ tài chính Pháp, phát biểu trên tờ Le Monde rằng tầng lớp giàu có đang có được cơ hội đóng góp lớn cho công cuộc giải quyết các vấn đề của nền tài chính Pháp.
Rõ ràng là nước Pháp phải đối đầu với rủi ro lớn khi áp đặt mức thuế cao hơn rất nhiều so với những người hàng xóm cùng khu vực. Tuy nhiên, cũng sẽ là 1 sai lầm nếu như cho rằng nội các của Tổng thống Hollande là những kẻ tồi tệ. Sự thực là, chính phủ Pháp cũng chỉ đang hòa theo 1 xu hướng mới đang dần phổ biến trên toàn thế giới: làn sóng phản ứng mạnh mẽ chống lại tầng lớp giàu có đang định hình lại màu sắc chính trị ở tất cả các nước, từ châu Âu cho tới Mỹ và Trung Quốc.
David Cameron, Thủ tướng Anh, vừa tuyên bố sẽ trải thảm đỏ chào đón những người di cư khỏi nước Pháp để trốn thuế. Tuy nhiên, ngay cả ở Anh, nơi mức thuế đánh vào người giàu là 45%, làn sóng phản đối người giàu cũng đang dâng lên mạnh mẽ.
Trong khi đó, ở Mỹ, Tổng thống Barack Obama trong chiến dịch tranh cử đang cố gắng thuyết phục nâng mức thuế đánh vào tầng lớp triệu phú và tỷ phú. Thuế đánh vào tầng lớp giàu có đang được đề nghị tăng từ 35% lên 39,6% cùng với tăng thuế đánh vào các khoản tăng vốn và cổ tức. Đây là mức tăng rất nhỏ so với mức tăng của Pháp. Tuy nhiên, một số người đang vin vào chiến dịch tranh cử thành công của Tổng thống Pháp để chống lại quan điểm này.
Đảng Xã hội Pháp đã đánh vào lối sống khá buông thả và quan hệ gần gũi với tầng lớp siêu giàu của Nicolas Sarkozy để đánh bại ông. Tương tự như vậy, Obama cũng tấn công và Mitt Romney thông qua hình ảnh đại diện cho tầng lớp siêu giàu ở Mỹ.
Chiêu trò tranh cử này có vẻ như khá mạo hiểm bởi người Mỹ thường ngưỡng mộ những người giàu có hơn là ganh tị với họ. Tuy nhiên, kết quả thăm dò lại cho thấy dường như đây là chiến lược hiệu quả. Có tới 64% người dân đồng ý tăng thuế đánh vào những người có thu nhập lớn hơn 250.000 USD.
Sự nhạy cảm chính trị về khoảng cách giữa người giàu và phần còn lại của xã hội là điều không phổ biến ở các nước phương Tây. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, phong cách sống và quyền lực của người giàu luôn là quan điểm nhạy cảm và nguy hiểm nhất. Mới đây, Bloomberg đã bị “cấm cửa” ở Trung Quốc vì để lộ thông tin về đến tài sản của gia đình Phó chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tại sao lại có xu hướng này? Như nhận định của tờ “The Economist”, ở phần lớn các nước hiện nay, đặc biệt là ở phương Tây, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo lớn hơn rất nhiều so với cách đây 1 thế hệ. Ở Mỹ, thu nhập của nhóm 1% người giàu nhất đã tăng gấp 3 lần, từ mức 8% tổng thu nhập quốc dân trong những năm 1970 lên đến 24% trong năm 2007.
Cuối cùng thì điều này cũng tạo nên làn sóng phản ứng mạnh mẽ. Động lực lớn nhất châm ngòi chính là cuộc Đại suy thoái làm gia tăng áp lực lên chất lượng cuộc sống của những người dân bình thường trong khi làm bộc lộ những hành vi sai trái của tầng lớp siêu giàu.
Các chính trị gia phương Tây, từ Barack Obama đến François Hollande, đều đang cố gắng bắt kịp với xu hướng này. Ở châu Á, nơi mà tác động của đại suy thoái là không lớn, lại có rất nhiều yếu tố khác tác động. Mạng Internet cũng với phong trào blog khiến thông tin có thể được chia sẻ dễ dàng hơn. Nếu như tình hình tiếp tục diễn biến theo chiều hướng này, rất có thể kỷ nguyên thuế thấp, các luật lệ lỏng lẻo cùng với bất bình đẳng ngày càng gia tăng vốn bắt đầu từ những năm 1970 sẽ chấm dứt.
Kỷ nguyên này gắn liền với các nhân vật như Margaret Thatcher và Ronald Reagan ở phương Tây hay Đặng Tiều Bình ở Trung Quốc. Khi Thatcher lên nắm quyền vào năm 1979, thuế đánh vào người giàu ở Anh là 83% và sau đó bị bà cắt giảm xuống còn 40%. Reagan đã giảm mức thuế từ 70% xuống chỉ còn 28%.
Giờ đây, xu hướng mới đi ngược lại điều đó đang lan nhanh trên toàn cầu. Ở Trung Quốc, các chính trị gia luôn lẩn tránh việc công bố tài sản. Trong khi đó, các chính trị gia phương Tây nóng lòng muốn tăng thuế. Câu hỏi lớn ở đây là liệu xu hướng này có thể kéo dài được hay không. Bất kì nước nào nâng thuế quá nhiều và quá nhanh đều phải đối mặt với nguy cơ hoạt động kinh doanh và nguồn vốn tháo chạy. Tầng lớp siêu giàu rất dễ di chuyển và được tư vấn tốt.
Giống như Thủ tướng Thatcher đã nói năm 1979, thông thường thì cứ 30 năm 1 lần, thế giới sẽ chứng kiến những thay đổi chính trị lớn lao. Đã 30 năm kể từ khi thời đại Thatcher-Reagan kết thúc, cuộc thay đổi lớn lao đang chờ đợi chúng ta ở phía trước.
(TTVN)