-
Mỹ nói các cơ sở Syria bị không kích chứa chất độc thần kinh sarin
Lầu Năm Góc cho biết họ có bằng chứng cho thấy vũ khí hóa học, bao gồm cả nguyên tố chất độc thần kinh sarin hiện diện tại ba cơ sở Syria bị Mỹ và đồng minh không kích tuần trước để phản ứng trước việc chính quyền Assad bị cáo buộc tấn công hóa học khiến hàng chục người chết ở Douma.
Trung tướng Mỹ Kenneth McKenzie nói rằng chính quyền Syria vẫn có thể thực hiện các vụ tấn công hóa học nhỏ nhưng khả năng nghiên cứu và cải tiến vũ khí hoá học của họ đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Syria nhiều lần bác bỏ cáo buộc tấn công hóa học, nói rằng đó là bịa đặt. Thanh sát viên của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) đã đến Syria từ tuần trước để điều tra nhưng họ vẫn chưa tiếp cận được Douma.
-
Cựu thị trưởng New York gia nhập đội ngũ luật sư của Trump
Cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani, người từng là công tố viên liên bang, gia nhập nhóm luật sư riêng cho Tổng thống Mỹ Trump. Đội ngũ pháp lý của Trump đang làm việc trong cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử năm 2016. Nga bác bỏ cáo buộc, Trump cũng nhấn mạnh rằng chiến dịch của ông không thông đồng với Moskva.
-
Quan chức quân sự Nga và NATO gặp nhau tại Azerbaijan
Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov ngày 19/4 gặp Tư lệnh châu Âu của NATO Curtis Scaparrotti tại Baku, thủ đô của Azerbaijan. Hai ông thảo luận về hoạt động quân sự của NATO và Nga ở châu Âu, tăng cường lòng tin và ngăn chặn sự cố. Họ cũng trao đổi quan điểm về tình hình tại Syria, nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế.
-
Israel nói ít nhất 6 nước cân nhắc chuyển sứ quán đến Jerusalem
"Tôi rất vui khi được thông báo rằng ít nhất 6 quốc gia đang bàn bạc nghiêm túc với chúng tôi về việc dời sứ quán tới Jerusalem,Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 19/4 nói nhưng không công bố tên nước cụ thể. Sứ quán Mỹ tại Israel dự kiến chuyển từ Tel Aviv đến Jerusalem vào ngày 14/5 - ngày Israel tuyên bố độc lập năm 1948. Guatemala cũng đã theo chân Mỹ, thông báo họ sẽ có động thái chuyển sứ quán tương tự.
Jerusalem là thánh địa đối với người Do Thái, người Hồi giáo và Cơ Đốc giáo. Trạng thái của Jerusalem là một trong những vật cản lớn nhất đối với tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Israel chiếm Đông Jerusalem năm 1967, coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô không bị chia cắt. Phía Palestine cho rằng Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai.
-
Moskva cảnh báo vấn đề visa có thể khiến các chuyến bay thẳng Nga - Mỹ bị dừng
"Chúng tôi không thể loại trừ khả năng không còn chuyến bay thẳng giữa hai nước. Aeroflot, công ty duy nhất vận hành các chuyến bay thường xuyên giữa Nga và Mỹ, có thể bị buộc phải dừng lại vì phi công của họ đang gặp khó khăn khi xin thị thực Mỹ", Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố.
Nga phàn nàn về việc Mỹ đã kéo dài thời gian chờ thị thực từ 85 lên 250 ngày và cho rằng Washington cố tình gây khó dễ để gây áp lực lên Moskva. Trong khi đó, Washington nói rằng lý do họ cần thêm thời gian để xử lý đơn xin cấp thị thực là thiếu nhân sự vì các vụ trục xuất nhà ngoại giao tháng trước.
-
Mỹ cáo buộc Nga và Syria hủy bằng chứng vũ khí hóa học ở Douma
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói rằng Nga và Syria đã cố tình trì hoãn và ngăn thanh sát viên của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) tiếp cận Douma, thành phố mà phương Tây cho là nơi chính quyền Syria dùng vũ khí hóa học với dân thường khiến hàng chục người thiệt mạng. Syria đã bác bỏ cáo buộc.
"Các quan chức Nga đã phối hợp với chính quyền Syria để làm sạch hiện trường tấn công, xóa bỏ những bằng chứng cho thấy vũ khí hóa học đã được sử dụng. Người dân cũng bị Nga và Syria gây áp lực để thay đổi lời kể", cô nói.
-
Syria trả lại huân chương Bắc đẩu Bội tinh cho Pháp
Syria trả lại huân chương Bắc đẩu Bội tinh hạng nhất mà Pháp đã trao cho Tổng thống Bashar al-Assad năm 2001. Assad nói rằng ông không đeo huân chương từ "một nô lệ của Mỹ".
Bắc đẩu Bội tinh là huân chương cao quý nhất của Pháp, được Napoleon Bonaparte lập ra ngày 19/5/1802 để tặng thưởng cho những cá nhân hoặc tổ chức có đóng góp đặc biệt cho nước Pháp. Mỗi năm khoảng 3.000 người được trao tặng phần thưởng này, trong đó có khoảng 400 người nước ngoài.
Pháp ngày 16/4 đã công bố ý định tước huân chương này của Assad, vài ngày sau trận không kích của liên quân Mỹ, Anh và Pháp vào các cơ sở ở Syria, nhằm đáp trả việc nước này bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường.