Trong sự nghiệp kinh doanh bất động sản, Jonathan Tootell ở New York (Mỹ) đã có thói quen chào khách hàng, đồng nghiệp bằng một cái bắt tay. Nhưng gần đây, nghi thức này khiến anh nghi ngại. "Nếu tất cả các bên đều ổn thì có thể bắt tay. Nếu không, chúng tôi bỏ qua nghi thức này", anh nói.
Đến tuần này, khi Covid-19 lan rộng ở Mỹ, nỗi sợ của người dân cũng tăng lên. Công việc của Tootell vẫn diễn ra, chỉ là không có cái bắt tay nào.
SquareFoot, công ty nơi Tootell giám sát đội ngũ môi giới bất động sản ở New York không cấm bắt tay hoặc cái ôm chào hỏi vì công việc. Nhưng tất cả các đồng nghiệp và đối tác kinh doanh của Tootell dường như đều biết giơ tay vẫy là cách tốt hơn lời chào dù ở cự ly gần, bất kể trong lòng cảm giác thật ngớ ngẩn.
Các quy tắc của phép lịch sự bị đảo ngược trong dịch bệnh: Các cử chỉ liên quan đến sự đụng chạm, thường được hiểu là truyền đạt tình cảm hoặc sự ấm áp, được thay thế bằng khoảng cách, mà theo cách riêng của nó, là biểu đạt sự quan tâm.
Trên toàn cầu, các nhà chức trách đang khuyến khích công dân tránh tiếp xúc gần vì nCoV có thể dễ dàng lây lan. Những quốc gia có truyền thống ôm hôn chào tạm thời khuyến cáo tránh làm vậy. Các công ty trên toàn thế giới không khuyến khích và thậm chí cấm bắt tay giữa các cộng sự. Nơi tâm linh đang tạm thời sửa đổi các nghi thức liên quan đếm đụng chạm giữa các cá nhân hoặc dùng chung đồ vật.
Sự lây lan của Covid-19 dẫn tới cắt giảm những tiếp xúc, nghi thức lịch sự, nhưng thay vào đó có những phương pháp chào hỏi mới và sáng tạo đã xuất hiện tương ứng.
Trưa thứ 2 tuần này, Tootell đi ăn với người bạn thân thiết. "Trước khi chia tay, tự nhiên chúng tôi ôm lấy nhau và sau đó mới nhớ ra", Tootell nói. Hai người đứng sững, lùi ra và nói lời tạm biệt ở khoảng cách an toàn hơn. Trong khoảnh khắc lùi lại đó, họ cảm giác như buổi gặp đã không kết thúc đúng cách.
Đối với Tootell và nhiều người, một cái bắt tay và ôm nhẹ giúp biểu thị rằng một nghi thức xã hội bắt đầu và sau khi cuộc gặp kết thúc, lặp lại bắt tay, cái ôm lần nữa, nói lời cảm ơn. Nó như một cái vòng khép kín. "Kết thúc bữa trưa không có cái ôm tạm biệt giống như chúng tôi không khép vòng này lại", chuyên gia bất sản này nói. Nhưng vì cả hai đều nhận thức và lo lắng về virus đang tăng cao nên sự thay đổi này đồng nghĩa với làm giảm sự lây lan của bệnh tật. Điều này có ý nghĩa hơn.
Đụng chạm giữa các cá nhân có lợi cho sức khoẻ con người. Như giáo sư Tiffany Field, người sáng lập Viện nghiên cứu cảm ứng tại Đại học Miami, bang Ohio, bất kỳ áp lực hoặc chuyển động nào trên da giúp tăng hoạt động của dây thần kinh phế vị, kết nối với mọi cơ quan chính trong cơ thể con người. Vì vậy đụng chạm trong các cách chào hỏi trước đây làm "chậm nhịp tim". Nó hỗ trợ hệ tiêu hoá; giúp biểu lộ cảm xúc của chúng ta qua khuôn mặt, dáng điệu và tăng lượng serotonin - thuốc chống trầm cảm tự nhiên trong cơ thể.
Nhưng trong thời điểm hiện tại, Field thấy mọi người căng thẳng khi bắt tay, ôm hôn. Vị giáo sư này khuyên mọi người lưu ý tập thể dục, massage có thể mang lại những lợi ích tương tự việc giao tiếp giữa các cá nhân.
"Đơn giản chỉ cần kéo giãn cơ bởi vận động da sẽ làm giảm các hoóc môn gây căng thẳng. Đi bộ bên trong không gian đang cách ly cũng kích thích dây thần kinh ở chân. Ngay cả khi rửa tay đúng cách cũng làm da được chuyển động, cơ bắp được xoa bóp", bà nói.
Chuyên gia này cũng thấy mọi người dường như đang tìm kiếm những khoảng khắc vui vẻ và thích thú với cách giao tiếp mới. Bỏ bắt tay, mọi người chuyển sang cụng khuỷu tay, chắp tay hay rung chân rồi cười ồ. Có những giáo dân đã đập tay từ khoảng cách xa, thay vì các kiểu chào gần khác.
Mọi người thực hiện chào hỏi theo cách mới, vẫn thấy lạ lẫm và ngớ ngẩn, nhưng giữa thời điểm mỗi cái bắt tay và ôm hôn tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh, thì những cử chỉ mới, ít thân mật như thế này, chính là tín hiệu của sự quan tâm thực sự.
Bảo Nhiên (Theo Theatlantic)