Báo cáo Tương lai việc làm 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố cuối tháng 4 đưa ra các xu hướng thay đổi vĩ mô, cũng như thay đổi công nghệ đối với việc làm và kỹ năng trong 5 năm tới.
Báo cáo cho thấy gần một phần tư tổng số công việc (23%) trên toàn cầu sẽ thay đổi trong 5 năm tới. Trên khắp 45 nền kinh tế, bao gồm 673 triệu người lao động, 69 triệu việc làm mới dự kiến sẽ được tạo ra và 83 triệu việc làm sẽ bị loại bỏ, giảm 14 triệu việc làm, tương đương 2% việc làm hiện tại.
Đầu tư vào chuyển đổi xanh, cũng như nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề bền vững sẽ tạo ra những cơ hội mới. Các công việc như kỹ sư năng lượng tái tạo, kỹ sư hệ thống, năng lượng mặt trời, hay các chuyên gia phát triển bền vững và chuyên gia bảo vệ môi trường sẽ là các công việc có nhu cầu cao, có thể gia tăng khoảng một triệu việc làm.

Hàng triệu công việc trên toàn cầu sẽ thay đổi trong 5 năm tới. Ảnh: The Conference Board
Mức tăng lớn nhất về việc làm sẽ đến từ giáo dục (3 triệu việc làm) và nông nghiệp (4 triệu việc làm), do nhân khẩu học và ứng dụng công nghệ mới trong các lĩnh vực này.
Công nghệ sẽ tạo ra sự xáo trộn về cấu trúc, với một phần tư số công ty sụt giảm việc làm do áp dụng công nghệ mới và hơn một nửa số công ty tăng trưởng việc làm. Ranh giới giữa con người và máy móc đang chuyển sang tính chất mới. Những kỳ vọng về việc máy móc thay thế công việc chân tay đã giảm đi, nhưng các nhiệm vụ đòi hỏi khả năng suy luận, giao tiếp và phối hợp - những đặc điểm vốn là thế mạnh của con người - dự kiến sẽ được tự động hóa nhiều hơn trong tương lai.
Trí tuệ nhân tạo sáng tạo (Generative AI) dự kiến sẽ được áp dụng bởi gần 75% các công ty được khảo sát. Về tỷ lệ mất việc làm, các công việc như giao dịch viên ngân hàng, thủ quỹ, thư ký và kế toán có khả năng bị đe dọa. Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất đối với việc làm vẫn được cho là không đến từ công nghệ, mà từ tăng trưởng kinh tế chậm lại, chi phí đầu vào tăng cao và sức mua yếu hơn của người tiêu dùng.
Báo cáo cũng cho thấy gần một nửa kỹ năng của một cá nhân - 44% cần phải thay đổi trong tất cả công việc. Các kỹ năng được cho là cần thiết nhất bao gồm tư duy phân tích và sáng tạo, hiểu biết về công nghệ, óc tò mò và học tập suốt đời, tính linh hoạt, tư duy hệ thống, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Các kỹ năng ít đòi hỏi hơn bao gồm quyền công dân toàn cầu, khéo tay, sức bền, tính chính xác...
Đối với nhiều cá nhân, sự thay đổi này tạo ra lo lắng về tương lai nghề nghiệp và bấp bênh kinh tế. Nhiều công ty lại có mối quan tâm về việc phát triển nhân tài trong bối cảnh mới: 60% công ty lo ngại về khoảng cách kỹ năng và 54% lo lắng về khả năng thu hút nhân tài.
Trong một thế giới sử dụng nhiều công nghệ, xanh hơn và có khả năng phi toàn cầu hóa, việc phát triển các kỹ năng sát với yêu cầu tại địa phương sẽ quan trọng hơn bao giờ hết.

Học trực tuyến giúp người lao động dễ dàng nâng cao trình độ. Ảnh: Indeed
Đối với sinh viên ngày nay, kỹ năng phân tích và giao tiếp, cũng như khả năng hiểu và làm việc với công nghệ sẽ rất quan trọng. Mọi sinh viên - bất kể lĩnh vực đã chọn nên hướng tới việc xây dựng những kỹ năng tổng quát này để sẵn sàng cho một tương lai thay đổi nhanh chóng.
Những người lao động đang làm việc trong các lĩnh vực đang suy giảm sẽ cần nỗ lực chuyển đổi và đào tạo lại các kỹ năng chính, trong khi những người làm việc trong các lĩnh vực đang thay đổi hoặc đang phát triển sẽ cần phải nâng cao kỹ năng và phát triển khả năng học hỏi không ngừng.
Tin tốt là kỹ năng có thể thay đổi nhanh chóng và việc học trực tuyến có thể mang lại một sân chơi bình đẳng. "Người lao động từ mọi trình độ học vấn, kể cả những người không có bằng đại học hoặc sau đại học đều có cơ hội như nhau để có được chứng chỉ kỹ năng trực tuyến", bà Saadia Zahidi, Giám đốc điều hành World Economic Forum cho biết.
Tuy nhiên, không chỉ có người học và người lao động phải tự lo cho tương lai của mình. Vai trò của chính phủ trong cung cấp nguồn lực, lộ trình là rất quan trọng. Những người sử dụng lao động cũng phải hỗ trợ quá trình chuyển đổi của người lao động, đặc biệt trong đánh giá tuyển dụng cần ưu tiên các kỹ năng hơn là bằng cấp hoặc kinh nghiệm. "Các nhà tuyển dụng theo xu hướng này sẽ thu hẹp khoảng cách kỹ năng nhanh hơn và có đội ngũ trung thành, năng suất và động lực làm việc lớn hơn", bà Saadia Zahidi nhận định.
Nguyên Chương (Theo World Economy Forum)
Hiện, FUNiX là đại diện duy nhất tại Việt Nam của Udemy - nền tảng giáo dục trực tuyến hàng đầu thế giới cung cấp các chương trình đào tạo kiến thức, kỹ năng.