"Toàn bộ khu vực, bắt đầu từ Cộng hòa Trung Phi, sau đó là Mali, Burkina Faso, bây giờ là Niger, và có thể là Gabon, đang trong tình thế rất khó khăn", người đứng đầu chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell phát biểu trong cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng EU tại thành phố Toledo, Tây Ban Nha ngày 30/8.
Tuyên bố được ông Borrell đưa ra sau khi một nhóm sĩ quan quân đội cấp cao Gabon thông báo trên truyền hình nhà nước rằng họ đã nắm quyền kiểm soát đất nước, giải tán chính phủ và các thể chế. Quân đội Gabon tuyên bố đảo chính để phản đối cuộc bầu cử "thiếu uy tín", trong đó Tổng thống Ali Bongo Ondimba, 64 tuổi, tái đắc cử nhiệm kỳ ba.
Theo ghi nhận của Reuters, hàng trăm người đã tập trung ở thủ đô Libreville ăn mừng sau đảo chính quân sự.
Các sĩ quan đảo chính cho hay Tổng thống Bongo đang bị quản thúc tại gia cùng các thành viên gia đình và bác sĩ. Một con trai của ông này đã bị bắt với cáo buộc "phản quốc".
"Đó sẽ là một cuộc đảo chính nữa làm gia tăng bất ổn trong toàn khu vực", ông Borrell cho hay. "Chắc chắn các bộ trưởng quốc phòng của EU phải suy nghĩ sâu sắc về những gì đang diễn ra ở đó, cũng như làm thế nào chúng ta có thể cải thiện chính sách của EU đối với các quốc gia này. Đây là vấn đề lớn đối với châu Âu".
Phát biểu tại cuộc họp với đại sứ các nước ở Paris, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cho biết nước này đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Gabon với "sự chú ý cao độ nhất", song không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Trước khi quân đội Gabon lên nắm quyền, Tổng thống Emmanuel Macron hôm 28/8 lên án "đại dịch" đảo chính gần đây ở khu vực các nước châu Phi nói tiếng Pháp, từ Mali và Burkina Faso đến Guinea và gần đây nhất là Niger.
Theo trang web của Bộ Quốc phòng Pháp, Paris duy trì lực lượng quân sự ở nhiều thuộc địa cũ ở châu Phi, trong đó có Gabon, nơi 370 binh sĩ Pháp đồn trú lâu dài.
Tập đoàn khai thác mỏ Eramet của Pháp thông báo đã ngừng hoạt động ở Gabon sau cuộc đảo chính "vì sự an toàn của nhân viên và an ninh cho hoạt động khai thác".
Trung Quốc cho hay đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Gabon và kêu gọi tất cả các bên đảm bảo an toàn cho Tổng thống Ali Bongo Ondimba.
"Chúng tôi cũng kêu gọi tất cả các bên hành động dựa trên lợi ích cơ bản của đất nước và người dân, giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và khôi phục trật tự bình thường càng sớm càng tốt, duy trì hòa bình, ổn định quốc gia", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga "quan ngại sâu sắc" về tình hình ở Gabon và đang theo dõi sát diễn biến.
Tổng thống Bongo đắc cử lần đầu năm 2009, sau khi cha của ông, Omar Bongo Ondimba, qua đời. Ông Omar Bongo Ondimba đã lãnh đạo quốc gia Trung Phi giàu dầu mỏ này 41 năm và là một trong những đồng minh thân cận nhất của Pháp thời kỳ hậu thuộc địa.
Ông Bongo đến thăm Bắc Kinh hồi tháng 4 và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Tập khẳng định Tổng thống Bongo là "người bạn lâu năm" của nhân dân Trung Quốc và ca ngợi "những thành tựu đáng kể" của ông trong quá trình phát triển đất nước.
Ông Bongo cũng cảm ơn Trung Quốc vì "sự hỗ trợ quý báu trong thúc đẩy đa dạng hóa kinh tế và công nghiệp hóa của Gabon".
Gabon có diện tích gần 270.000 km2 và dân số khoảng 2,3 triệu người. Quốc gia Trung Phi này từng là thuộc địa của Pháp và được trao trả độc lập năm 1960. Nước này giáp Vịnh Guinea về phía tây, là láng giềng của Guinea Xích đạo, Cameroon và Cộng hòa Congo.
Niger, quốc gia ở Tây Phi, tháng trước cũng xảy ra đảo chính. Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế và phong tỏa giao thông với Niger, đồng thời kích hoạt lực lượng thường trực để chuẩn bị cho kịch bản can thiệp quân sự vào nước này nhằm khôi phục chính phủ dân sự. Pháp cũng tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ ECOWAS.
Huyền Lê (Theo Reuters, AFP)