![]() |
Đưa nạn nhân của vụ đánh bom đi cấp cứu. |
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan kêu gọi các chính trị gia, các nhóm tôn giáo và người dân Iraq hãy bình tĩnh. Ông cực lực lên án vụ tấn công và cảnh báo mọi người hãy đề phòng với những hành động bạo lực và báo thù mới có thể xảy ra.
![]() |
Bài phát biểu cuối cùng của thủ lĩnh Al-Hakim vài phút trước khi thiệt mạng. |
Tổng thống George Bush gọi vụ đánh bom là "hành động xấu xa của chủ nghĩa khủng bố, nhằm vào thủ lĩnh Al-Hakim, thánh địa Najaf của người Shiite và nhằm vào niềm hy vọng của người dân Iraq về sự tự do, hoà bình và hoà giải". Ông tuyên bố, Mỹ sẽ hỗ trợ công tác truy tìm những thủ phạm của vụ đánh bom.
Chính quyền Iran, nơi đã cho thủ lĩnh Mohammed Bakr al-Hakim sống lưu vong suốt 23 năm, cũng bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với vụ tấn công. Nhưng Tehran cho rằng, lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu phải chịu mọi trách nhiệm bởi họ đã không duy trì được tình hình an ninh ở Iraq.
Hội đồng Điều hành Iraq và chính quyền Iran tuyên bố 3 ngày quốc tang để tưởng niệm ông Mohammed Bakr al-Hakim. Trong khi đó, Nga kêu gọi mở rộng vai trò của Liên Hợp Quốc ở Iraq nhằm ngăn chặn nạn bạo lực đang leo thang tại đây.
Chiều nay, thi thể của những nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ bom ở Najaf đã được đưa đi chôn cất. Hàng chục nghìn người địa phương tập trung cầu nguyện và tiễn họ về nơi an nghỉ. Theo ghi nhận của các phóng viên, không thấy hình ảnh cảnh sát Iraq hay binh sĩ Mỹ tại trung tâm Najaf trong ngày hôm nay.
![]() |
Những người Hồi giáo Shiite kêu gọi báo thù cho ông Al-Hakim. |
Khi xảy ra sự việc, người đứng đầu chính quyền dân sự Mỹ tại Iraq Paul Bremer đang đi nghỉ ở nước ngoài. Theo thư ký của toàn quyền Mỹ, ông Bremer không có kế hoạch trở về Iraq sớm hơn dự kiến vì vụ đánh bom nói trên.
Những nhân vật cao cấp trong cộng đồng người Hồi giáo Shiite Iraq cho rằng, lực lượng ủng hộ Saddam Hussein có thể đã gây ra vụ đánh bom ở Najaf nhằm phá hoại và gây mất ổn định đất nước. Sự việc này diễn ra chỉ một tuần sau vụ nổ bom gây chấn động thế giới ở trụ sở Liên Hợp Quốc tại Baghdad làm chết 23 người, trong đó có trưởng đại diện LHQ ở Iraq Sergio Vieira de Mello.
Qủa bom ở Najaf đã phát nổ đúng lúc hàng trăm người đang rời thánh đường sau buổi cầu nguyện ngày thứ sáu. Theo nhiều nhân chứng, sức công phá của quả bom rất lớn gây ra một hố sâu 1,5 mét trên con phố bên ngoài thánh đường và phá huỷ ít nhất 2 tòa nhà gần đó. Nhiều giờ sau tiếng nổ, hiện trường vụ tấn công vẫn rơi vào tình trạng hỗn loạn với đám khói đen cuồn cuộn bốc cao.
Tại thành phố Sadr gần Najaf, nơi đa phần người dân theo hệ phái Shiite, hàng nghìn người đã đổ ra đường bày tỏ sự phẫn nộ trước vụ tấn công và kêu gọi tiến hành các hành động báo thù cho thủ lĩnh Mohammed Bakr Al-Hakim.
Đình Chính (theo BBC, AP)