Tỷ lệ này thậm chí còn lớn hơn nếu tính cả 13% thực phẩm bị mất trong quá trình vận chuyển từ nông trại đến bàn ăn.
Báo cáo Chỉ số lãng phí thực phẩm 2024 của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đặt ra vấn đề về phân phối thực phẩm bởi lãng phí đang là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu. "Lãng phí thực phẩm là bi kịch toàn cầu trong khi hàng triệu người đang đói", ông Inger Andersen, giám đốc UNEP nói.
Báo cáo phân biệt giữa "thực phẩm mất", loại thực phẩm như rau thối, thịt hỏng bị bỏ sớm trong chuỗi cung ứng và thực phẩm lãng phí bị vứt đi bởi hộ gia đình, nhà hàng và cửa hàng.
Hộ gia đình đã lãng phí 631 triệu tấn thực phẩm vào năm 2022, chiếm 60% tổng số trong khi ngành dịch vụ thực phẩm chiếm 28% lượng lãng phí và bán lẻ 12%.
Trung bình mỗi người lãng phí 79 kg thực phẩm mỗi năm, đồng nghĩa có ít nhất một tỷ bữa ăn bị lãng phí trong các hộ gia đình mỗi ngày. Nó tạo ra 8-10% lượng khí thải gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu, gấp 5 lần lượng khí thải từ ngành hàng không.
Thực phẩm cần nguyên liệu, nhiên liệu để đi đến thành phẩm, bao gồm đất trồng, nước và hệ thống chế biến. Hầu hết lượng thực phẩm bị lãng phí được đưa vào bãi chôn lấp, khi phân hủy tạo ra khí methane (CH4), gây hiệu ứng nhà kính.
Báo cáo nêu, vấn đề lãng phí thực phẩm nghiêm trọng hơn ở các nước nhiệt đới bởi nhiệt độ cao làm việc bảo quản và vận chuyển thực phẩm trở nên khó khăn, dễ hỏng.
Trái ngược với lầm tưởng của nhiều người rằng lãng phí chủ yếu xuất hiện ở thế giới giàu có. Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy lượng thực phẩm bị bỏ đi ở các nước thu nhập cao và trung bình chỉ chênh lệch 7 kg tính theo đầu người.
Ngọc Ngân (Theo CNN)