Hàng tỷ người trên khắp thế giới đón giao thừa trong không khí rộn ràng và đông đúc sau hai năm trầm lắng vì đại dịch Covid-19 hoành hành. Nhiều quốc gia nối lại các màn trình diễn pháo hoa hoành tráng và sự kiện đếm ngược mừng năm mới sôi động, trong bối cảnh các biện pháp hạn chế chống dịch gần như được dỡ bỏ hoàn toàn và cuộc sống đã trở lại bình thường.
Các quốc đảo Samoa, Tonga và Kiribati ở châu Đại Dương, nằm ở múi giờ GMT+13, là những nơi bước sang năm mới 2023 đầu tiên trên thế giới vào 18h ngày 31/12 giờ Hà Nội.
Thành phố Sydney ở Australia tiễn biệt năm 2022, chào đón năm mới 2023 với màn biểu diễn pháo hoa hoành tráng. Australia năm nay tổ chức lễ đón giao thừa không áp bất cứ hạn chế nào sau hai năm phải thu nhỏ quy mô vì Covid-19. Khoảng hơn một triệu người tập trung tại bến cảng Sydney cùng nhau đón mừng năm mới và chứng kiến màn bắn pháo hoa công phu.
Pháo hoa cũng rực sáng ở trung tâm Auckland, New Zealand. Nước này hồi năm ngoái không bắn pháo hoa mà tổ chức trình diễn ánh sáng do Covid-19 diễn biến phức tạp.
Hàn Quốc năm nay nối lại nghi thức đánh chuông đón giao thừa thường niên sau hai năm tạm dừng vì Covid-19. Buổi lễ do chính quyền thủ đô Seoul chủ trì với khoảng 100.000 người tham dự. Lễ đánh chuông năm nay cũng được phát sóng trực tiếp nhằm tránh tình trạng quá tả. Nhiều người dân Hàn Quốc cũng đến các địa điểm đông người chờ khoảnh khắc giao thừa bước sang năm mới 2023.
Tại Nhật Bản, người dân cũng tập trung tại các khu vực trung tâm để chứng kiến bắn pháo hoa.
Người Trung Quốc đón năm mới 2023 trong bối cảnh đất nước vừa dỡ bỏ loạt biện pháp hạn chế chống Covid-19 được áp dụng nghiêm ngặt trong gần ba năm qua. Người dân khắp Trung Quốc tập trung trên đường phố đón khoảnh khắc giao thừa và cùng xem những màn trình diễn pháo hoa. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi người dân nỗ lực và đoàn kết khi đất nước vào giai đoạn mới chống Covid-19 trong thông điệp mừng năm mới 2023.
Singapore, Malaysia và Philippines là các quốc gia Đông Nam Á đầu tiên bước sang năm mới 2023. Tiếp sau đó là Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Không khí đón năm mới tại Việt Nam sôi động khi hàng nghìn người dân các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Huế, TP HCM đổ về quảng trường trung tâm để xem lễ hội countdown và bắn pháo hoa chào mừng năm 2023.
Những lễ hội sôi động diễn ra trên khắp châu Âu, trong khi Nga và Ukraine trải qua giao thừa trong không khí trầm lắng.
Chính quyền Ukraine áp lệnh giới nghiêm, khiến lễ giao thừa tại thủ đô Kiev và các thành phố lớn khác yên tĩnh hơn nhiều so với mọi năm, dù người dân tại các đô thị vẫn ra đường đón năm mới. Giới chức Ukraine cũng cáo buộc Nga tấn công tên lửa nhằm vào nước này trước và sau giao thừa, tuyên bố bắn rơi tổng cộng 35 trong tổng số 43 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) được triển khai.
Giao thừa tại thủ đô Moskva của Nga im ắng hơn mọi năm, không có pháo hoa hay buổi lễ như thường lệ trên Quảng trường Đỏ. Giới chức Nga đóng cửa Quảng trưởng Đỏ, đồng thời tăng số lượng cảnh sát bảo vệ các khu phố gần đó.
Alexander Tsvetov, cư dân Moskva, bày tỏ hy vọng một năm có thể dự đoán được và hòa bình cho thế giới. "Chúng tôi mong mọi người ở mỗi bên trong cuộc xung đột này sẽ hạnh phúc và có hòa bình", ông Tsvetov đề cập đến chiến sự Nga - Ukraine.
"Tôi chắc chắn những sự kiện bất ngờ và khốc liệt sẽ giảm bớt. Năm tới chắc chắn sẽ có bước ngoặt tốt hơn", bà Yelena Popova, 68 tuổi, dự đoán và bày tỏ đồng tình với việc giới chức Nga hủy bắn pháo hoa mừng năm mới. "Người ta không nên giả vờ như không có chuyện gì xảy ra, người dân nước tôi ở đó đang thiệt mạng. Họ vẫn tổ chức ngày lễ, song phải có giới hạn".
Các khách sạn tại thủ đô Berlin của Đức lần đầu tiên ghi nhận tỷ lệ phòng có khách đến 90% trước buổi bắn pháo hoa mừng năm mới tại Cổng Brandenburg sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Giới chức Đức cũng cho phép dân chúng mua pháo hoa để đốt sau hai năm cấm điều này nhằm ngăn các chấn thương có thể gây quá tải cho bệnh viện.
Một đàn flycam được triển khai trên bầu trời thủ đô London, tạo thành hình nhìn ngang của Nữ hoàng Elizabeth II như trên đồng xu để tưởng nhớ bà. Đội hình sau đó thay đổi và tạo thành hình Vua Charles III với hướng nhìn ngược lại, tuân theo truyền thống in hình quân vương trên tiền xu mỗi khi thay đổi triều đại.
Nhiều người dân Pháp đã đổ về đại lộ Champs-Elysees để chứng kiến màn bắn pháo hoa mừng năm mới đầu tiên ở thủ đô Paris kể từ năm 2019.
Tuy nhiên, một số nước châu Âu không bắn pháo hoa vì nhiều nguyên nhân. Giới chức thủ đô Prague và nhiều thành phố ở Cộng hòa Czech cho rằng điều này là "không phù hợp" trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, trong khi mưa lớn và gió mạnh khiến các buổi trình diễn pháo hoa tại hàng loạt thành phố Hà Lan bị hủy bỏ.
Châu Mỹ là lục địa cuối cùng đón năm mới 2023. Lễ hạ quả cầu pha lê tại Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ, vẫn diễn ra như mọi năm với sự tham gia của hàng nghìn người, bất chấp mưa lớn. Arjun Singh, một người tham dự lễ đón năm mới tại Quảng trường Thời đại, bày tỏ hy vọng "2023 là năm hồi sinh của thế giới sau Covid-19 và chiến sự tại Ukraine, chúng tôi muốn những điều này chấm dứt".
Xem diễn biến chính