Trong Báo cáo Thị trường Dầu hàng tháng công bố hôm 16/3, IEA cảnh báo thế giới có thể tiến tới "cuộc khủng hoảng nguồn cung lớn nhất nhiều thập kỷ". Sản xuất dầu tại Nga trong tháng 4 có khả năng giảm một phần ba, tương đương 3 triệu thùng dầu mỗi ngày. Nguyên nhân là các lệnh trừng phạt của phường Tây và những hạn chế mà các hãng dầu, ngân hàng, công ty vận chuyển phải tuân thủ.
Cơ quan này cũng cho biết sự kết hợp giữa giá hàng hóa tăng vọt và các lệnh trừng phạt của phương Tây lên Nga có thể gây sức ép lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu năm nay. IEA đã hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới thêm 1,3 triệu thùng một ngày, tương đương hơn 1%, cho 3 quý còn lại.
Nhu cầu tại Nga có thể giảm mạnh, do các hoạt động kinh tế lắng xuống. Tiêu thụ nhiên liệu máy bay nhiều khả năng giảm nửa, do nhiều chuyến bay quốc tế phải dừng lại.
Triển vọng kinh tế u ám cũng phần nào lý giải nguyên nhân giá dầu hạ nhiệt một tuần gần đây. Giá dầu Brent hôm 15/3 xuống dưới 100 USD một thùng, trong khi đầu tuần trước chạm 139 USD.
Cơ quan này cho rằng sự chuyển hướng dòng chảy dầu trên thị trường sau các lệnh trừng phạt của Nga – nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới – vẫn đang rất hạn chế. Hiện gần như chưa có dấu hiệu cho thấy các nước sản xuất dầu ở Trung Đông đang tăng cung cho các thị trường như châu Âu – nơi tiêu thụ lượng lớn dầu Nga.
Bên cạnh đó, bất chấp các nỗ lực nhằm vận chuyển dầu Nga cho người mua ở Trung Quốc và Ấn Độ - hai cường quốc nhập khẩu không ủng hộ trừng phạt Nga, chi phí cao và "rủi ro về danh tiếng" đang khiến việc này càng phức tạp, IEA cho biết.
Hiện tại, chỉ Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), cùng Iran – quốc gia vẫn đang bị cấm vận dầu mỏ - là có khả năng bổ sung lượng dầu lớn, nhanh chóng để bù đắp phần thiếu hụt từ Nga. Tuy nhiên, OPEC+ gần đây từ chối tăng thêm cung dầu, với lý do thị trường "đang rất cân bằng".
Hà Thu (theo New York Times)