Tại Hội thảo "Ngành bán lẻ Việt Nam bước chân vào thế giới phẳng cơ hội hay thách thức" diễn ra ngày 28/3 ở TP HCM, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động (Mã CK: MWG) cho biết, ngành bán lẻ vẫn tràn trề tiềm năng, thị phần chuỗi bán lẻ hiện đại của Việt Nam chỉ mới đạt mức 25%. Đây là cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh chiếm thị phần.
"3 năm tới chúng tôi sẽ tăng tốc mạnh và tấn công cả thị trường nước ngoài. Cụ thể, vào tháng tới tôi sẽ có chuyến khảo sát tại Myanmar nhằm nghiên cứu thị trường và tìm kiếm đối tác hợp tác để 2017 công ty mở cửa hàng tại đây với số vốn ban đầu là vài triệu USD. Mục tiêu 2020, công ty sẽ mở rộng kinh doanh thành công ở Lào, Campuchia và Myanmar", ông Tài tiết lộ, đồng thời cho hay, công ty sẽ tăng thị phần điện thoại di động từ 30% lên 40%. Mở rộng chuỗi Điện Máy Xanh để trở thành nhà bán lẻ điện máy số một vào cuối 2017. Dự định, đến 2020, nếu thị phần ngành bán lẻ Việt Nam tăng lên 45% thì thị phần cửa hàng Thế Giới Di Động cũng sẽ chiếm 60% của riêng nhóm ngành này. Theo đó, đến 2018 Hội đồng quản trị kỳ vọng công ty sẽ cán đích doanh thu 2 tỷ USD, tức là trong vòng 3 năm Thế Giới Di Động sẽ kiếm thêm được 1 tỷ USD.
Báo cáo phân tích của Trung Tâm nghiên cứu VietinBankSc cho thấy, trong 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của Thế Giới Di Động khá ấn tượng khi doanh thu 2015 tăng gấp 5 lần so với 2011 và cán đích trên 1 tỷ USD. Đặc biệt, chỉ số ROE (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) đạt 54% trong 2015. Đây là doanh nghiệp được đánh giá có nền tảng vững chắc. So sánh tỷ lệ ROE với 5 doanh nghiệp bán lẻ mảng điện tử lớn nhất cùng ngành tại các quốc gia châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan thì Thế Giới Di Động đang dẫn đầu về sức hấp dẫn.
2016, công ty này đặt kế hoạch đạt 850-1.000 cửa hàng, doanh thu 34.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 1.400 tỷ.
Thi Hà