Mỗi dân tộc Việt Nam đều có nét đặc trưng riêng về văn hóa. Điều này thể hiện qua thói quen sinh hoạt, tín ngưỡng đặc biệt là trang phục... Với người Thái, nét đặc trưng được biết đến nhiều hơn qua chiếc khăn piêu truyền thống.
Giống như cách làm thổ cẩm truyền thống, khăn piêu được dệt từ sợi bông sau đó nhuộm chàm. Tới khi vải khô người phụ nữ Thái mới bắt đầu thêu lên những hoa văn sặc sỡ và bắt mắt. Có tất cả 3 loại hoa văn được thêu trên mỗi chiếc khăn là tà leo, cút piêu và sai peng. Trong đó tà leo là vật trừ đuổi tà ma, bảo vệ thần hồn cho người đội khăn, cút piêu là phẩm vật cao quý của người bề trên và sai peng là dây tình của đôi lứa. Tuy nhiên cả ba loại hoa văn này chỉ được thêu có chừng mực ở hai đầu của chiếc khăn.
Có cầm trên tay một chiếc khăn piêu mới thấy được sự tài tình của người phụ nữ Thái. Những sắc màu và hoa văn độc đáo được kết hợp với nhau khéo léo. Đó là màu xanh của núi rừng, màu vàng của ánh nắng, nương lúa và màu trắng hồng của hoa thơm. Mỗi một hoa văn như cách ứng xử của người Thái với thiên nhiên và bản làng. Chẳng thế mà khăn piêu không đơn giản là vật đội đầu mà còn là biểu tượng tín ngưỡng của người Thái. Chiếc khăn piêu như vị thần che chở cho người phụ nữ Thái trong lúc nắng, lúc mưa.
Một chiếc khăn piêu thường mất từ 2 đến 4 tuần để hoàn thành vì người phụ nữ Thái chỉ thêu khăn lúc nông nhàn. Du khách có dịp ghé qua bản làng người Thái đều có thể bắt gặp hình ảnh những cô gái chăm chú và tỉ mỉ ngồi thêu khăn bên hiên nhà. Đôi khi hình ảnh ấy lại là những em gái, những bà mẹ địu con hay cụ già. Có lẽ trong quan niệm của người Thái, việc thêu được chiếc khăn piêu đẹp chính là tiêu chuẩn đánh giá phẩm chất thế nên phụ nữ Thái, từ trẻ nhỏ tới người già, ai cũng có thể thêu được những chiếc khăn piêu ấn tượng.
Trong đời sống tình cảm của người Thái, chiếc khăn piêu chính là minh chứng đặc biệt cho tình yêu đôi lứa. Ấy là những dịp lễ hội, khi cô gái tung còn, chàng trai nào bắt được phải đền cho cô một hoặc hai đôi vòng bạc. Còn khi chàng trai ném và cô gái không bắt được phải đem khăn piêu ra tặng. Chiếc khăn khi ấy trở thành cái cớ để họ yêu nhau. Nếu cô gái không yêu chàng trai thì có thể đem vật khác đến xin lại chiếc khăn của mình.
Cho tới khi chuẩn bị lấy chồng, các cô gái Thái phải tự tay làm khăn piêu như món quà không thể thiếu của cô dâu tặng cho gia đình nhà bên. Và cứ như thế, chiếc khăn piêu gắn bó với người phụ nữ Thái từ khi còn nhỏ, trong các dịp lễ hội cho tới khi về nhà chồng. Kể cả khi trong nhà có tang khăn piêu cũng được dùng làm lễ vật mang theo người mất và con cháu cũng phải đội khăn piêu trong đám ma. Chiếc khăn piêu khi ấy như vật chỉ đường cho linh hồn người đã mất tìm được lối về mường trời, là thế giới bên kia.
Ngày nay, chiếc khăn piêu vượt qua bản làng nhỏ của người Thái để thành món quà lưu niệm đến tay những du khách ghé qua. Cầm chiếc khăn piêu trên tay để biết về nét văn hóa đặc trưng của người Thái và cũng để lưu giữ lại một kỉ niệm trong một lần dạo chơi.
Người Thái sinh sống chủ yếu tại miền núi Tây Bắc và là dân tộc có dân số đứng thứ 3 tại Việt Nam (số liệu thống kê năm 2009). Người Thái có nhiều nhóm khác nhau là Thái đen, Thái trắng, Thái đỏ và Tày Mường. Khăn piêu là trang phục được biết nhiều hơn bởi người Thái đen. |
Diệu Huyền