Trong báo cáo công bố hôm 15/2, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu toàn cầu sẽ tăng 2 triệu thùng một ngày so với năm ngoái, đạt 101,9 triệu thùng năm nay. Con số này thậm chí tăng 1,4 triệu thùng so với năm 2019 – trước khi đại dịch xuất hiện.
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương đóng góp phần lớn mức tăng. Chỉ riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm nửa sức tăng này, nhờ gỡ bỏ chính sách Zero Covid tháng 12 năm ngoái.
Việc Trung Quốc mở cửa lại được dự báo tăng lưu lượng đi lại bằng máy bay. Ngành này vẫn chưa hồi phục về mức tiền đại dịch. Nhu cầu nhiên liệu máy bay được dự báo tăng 1,1 triệu thùng mỗi ngày.
Trong khi đó, nhu cầu các sản phẩm khác từ dầu lại được dự báo giảm do hoạt động sản xuất yếu đi. Nhu cầu xăng cũng sẽ đi xuống khi xe điện dần phổ biến.
Về nguồn cung, sản xuất trong tháng 1 vẫn ổn định quanh mức 100,8 triệu thùng một ngày, IEA cho biết. Xuất khẩu của Nga cũng vẫn tăng, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu.
IEA dự báo sản lượng dầu toàn cầu tăng 1,2 triệu thùng năm 2023. Sức tăng chủ yếu ở Mỹ, Brazil và Na Uy.
Tốc độ tăng sản xuất được dự báo vượt nhu cầu trong quý I. Nhưng sau đó, khi nhu cầu tại Trung Quốc lên cao hơn, thế giới có thể thiếu dầu nửa cuối năm nay.
Nga đầu tháng này thông báo giảm 5% sản xuất dầu trong tháng 3, tương đương giảm 500.000 thùng mỗi ngày. Đây là động thái cho thấy "Moskva có thể đang gặp khó trong việc tìm nơi bán dầu", IEA nhận định.
Hà Thu (theo AFP)