"Dịch bệnh đang xấu đi nhanh hơn, di chuyển nhanh hơn khả năng phản ứng của chúng ta", AFP dẫn lời bà Joanne Liu, Chủ tịch quốc tế của tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF), phát biểu trước báo giới sau chuyến thăm 10 ngày tới vùng chịu ảnh hưởng của virus Ebola. "Nó đang tăng lên nhưng chúng ta không có manh mối nào về diễn biến. Mọi thứ giống như trong thời chiến vậy, cơ sở hạ tầng của chúng ta hoàn toàn sụp đổ".
Dịch bệnh do virus Ebola bắt đầu xuất hiện hồi đầu năm tại khu vực rừng ở biên giới giữa ba quốc gia Guinea, Sierra Leone, Liberia, và lây lan sang Nigeria. Tình trạng lây lan ở Guinea, điểm nóng đầu tiên, đã được kiểm soát. Những mối lo ngại hiện tập trung vào các quốc gia còn lại, đặc biệt là Liberia.
"Nếu không ổn định tình hình Liberia, chúng ta sẽ không bao giờ ổn định được khu vực", Reuters dẫn lời bà Liu nói. "Trong 6 tháng tới, chúng ta phải chiếm ưu thế trước dịch bệnh. Đây là quyết tâm của tôi".
Chủ tịch MSF kêu gọi cần thêm các chuyên gia tới vùng dịch bệnh. Bà cũng đánh giá rằng việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với dịch bệnh do virus Ebola gây ra hôm 8/8 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có vai trò quan trọng.
WHO hôm qua cho biết các nhân viên nhận thấy số trường hợp nhiễm và tử vong do virus Ebola lớn do đánh giá thấp quy mô dịch bệnh. Tổ chức này sẽ phối hợp trong "một phản ứng lớn của quốc tế".
Tính đến ngày 13/8, số người tử vong trong đợt bùng phát Ebola được cho là tồi tệ nhất thế giới đã lên đến 1.069 người trên tổng số 1.975 ca nhiễm và nghi nhiễm. Phần lớn số ca tử vong là ở Guinea, Sierra Leon và Liberia.
Như Tâm