Khi Covid-19 khởi phát, chuyên gia kỳ vọng về viễn cảnh miễn dịch cộng đồng - thời điểm đa số người dân có kháng thể với nCoV. Hơn một năm sau, Ấn Độ lao đao trong đợt bùng phát thứ hai đáng sợ hơn. Các quốc gia châu Á và Mỹ Latinh cũng bị ảnh hưởng.
Giới khoa học cho biết mầm bệnh đang thay đổi quá nhanh, biến thể mới dễ lây lan hơn, trong khi chương trình tiêm chủng diễn ra quá chậm chạp. Có thể ước mơ miễn dịch cộng đồng của nhân loại còn cách rất xa.
Khi ấy, Covid-19 trở thành loại bệnh đặc hữu, mối đe dọa sức khỏe luôn tồn tại. Theo tiến sĩ David Heymann, giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, biến thể virus len lỏi qua các tụ điểm đông đúc, nơi mọi người không đeo khẩu trang hoặc không giãn cách xã hội.
Tiến sĩ Heymann cho biết virus từ sẽ sớm lan đến khắp nơi trên thế giới một lần nữa. Khi ngày càng nhiều người nhiễm bệnh và tốc độ tiêm chủng tăng nhanh, đợt bùng phát tương lai không còn thảm khốc như ở Ấn Độ và Brazil. Các cụm dịch trở nên lẻ tẻ, ít gây chết người nhưng vẫn là mối đe dọa.
"Virus sẽ trở nên đặc hữu. Ta phải học cách sống chung với nó, đánh giá rủi ro và bảo vệ những người xung quanh", ông Heymann nói.
Các loại vaccine hiệu quả cao được phát triển nhanh chóng, nhưng quá trình phân phối gặp khó khăn và không đồng đều. Các nước giàu tích trữ lượng vaccine lớn, quốc gia nghèo hơn đối mặt tình trạng khan hiếm, thách thức hậu cần. Thái độ do dự của người dân là rào cản ở khắp nơi. Chuyên gia cảnh báo thế giới tiêm chủng quá chậm nên không có nhiều hy vọng loại bỏ được virus.
Theo trang web Our World in Data của Đại học Oxford, chỉ hai nước đã tiêm chủng đầy đủ cho một nửa dân số là Israel và Seychelles. Vài nước khác chủng ngừa cho gần 50% dân là Anh, Bhutan và Mỹ. Ít nhất 10% dân Ấn Độ đã tiêm một liều vaccine. Tại châu Phi, con số là 1%.
Song các chuyên gia cũng nhận định một số quốc đảo, nước nhỏ đã kiểm soát được virus, có thể tiếp tục ngăn chặn các đợt bùng phát khi tiêm chủng đủ 70% dân số như khuyến cáo của WHO.
New Zealand gần như dập dịch thành công thông qua phong tỏa thành phố và đóng cửa biên giới nghiêm ngặt. Tiến sĩ Michael Baker, chuyên gia dịch tễ Đại học Otago, nhận định nước này sẽ đạt miễn dịch cộng đồng bằng tiêm chủng. Song còn chặng đường dài phía trước, chính phủ mới tiêm vaccine cho 4,4% dân.
"Tất cả các cuộc khảo sát đều cho thấy người dân có sự do dự nhất định với vaccine, song cũng nhiều người rất nhiệt tình. Tôi nghĩ chúng ta có thể đạt được mục tiêu đó", ông Baker nói.
Đến nay, số ca mắc mới hàng ngày vẫn cao, nhưng ca tử vong giảm kể từ tháng 2, đi ngược mô hình thường thấy là ca nhiễm cao dẫn đến số người tử vong cao. Nếu xu hướng này tiếp diễn, kịch bản tươi sáng hơn sẽ diễn ra: Virus tiếp tục lây lan và trở thành bệnh đặc hữu nhưng ít gây chết người hơn, được kiểm soát nhờ vaccine.
Michael Merson, giáo sư y tế toàn cầu Đại học Duke và Đại học New York, cựu giám đốc Chương trình Toàn cầu về AIDS của WHO, cho biết: "Nó có thể tồn tại mãi, nhưng không đe dọa tính mạng, giống với cảm lạnh thông thường".
Thục Linh (Theo NY Times)