Quốc đảo Samoa, Tonga và Kiribati là những nơi đầu tiên bước sang năm mới, sau đó là New Zealand, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng một phần nhỏ của Nga và Indonesia. Hoạt động mừng năm mới ở Samoa bao gồm bắn pháo hoa, biểu diễn múa lửa và các điệu nhảy truyền thống.
Ở Australia, một số thành phố đã huỷ màn bắn pháo hoa mừng năm mới nhưng sự kiện này vẫn được tổ chức tại Cầu cảng Sydney, bất chấp 100 đám cháy đang hoành hành tại bang New South Wales, khiến thành phố phải ban lệnh cấm đốt lửa.
Ở Auckland, New Zealand, hàng nghìn người tập trung tại Tháp Sky cao 328 mét để thưởng thức màn pháo hoa và trình diễn laser đầy màu sắc.
Tại các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Indonesia, người dân cũng được chứng kiến những màn trình diễn pháo hoa mãn nhãn.
Trong bài bài phát biểu trên truyền hình trước năm mới 2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết ông hy vọng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với Hong Kong và cư dân tại đây, nói thêm rằng tình hình đặc khu "là mối quan tâm của mọi người trong vài tháng qua".
Với thông điệp trước giao thừa, Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam cũng đề cập tới hơn 6 tháng biểu tình tại trung tâm tài chính châu Á, cho biết tình trạng bất ổn đã gây ra nỗi buồn, sự lo lắng, thất vọng và giận dữ. Bà bày tỏ hy vọng người dân và chính quyền có thể "cùng nhau bắt đầu lại".
Ngoài lễ hội đếm ngược, nhiều người Nhật Bản cũng đổ đến các đền chùa để cầu an vào khoảnh khắc giao thừa, chào đón năm mới đầu tiên của thời đại Reiwa (Lệnh Hoà).
Hàng chục nghìn người ra đường đón năm mới ở Indonesia phải chịu cảnh ướt sũng do những cơn mưa xối xả trước thềm giao thừa.
Tại châu Âu, người dân Pháp đón năm mới trong bối cảnh đình công đã kéo dài nhiều tuần gây ra tình trạng đình trệ. Tổng thống Emmanuel Macron trong thông điệp năm mới cam kết cải cách hệ thống hưu trí nhằm "thúc đẩy công bằng và tiến bộ xã hội".
Lễ đón năm mới trên Quảng trường Đỏ, Moskva, bắt đầu lúc 4h giờ Việt Nam với màn pháo hoa rực rỡ tại khu vực Điện Kremlin. Nga là quốc gia có lễ đón năm mới dài nhất thế giới do nằm trải dài trên 11 múi giờ. Vùng Kaliningrad là nơi cuối cùng của Nga đón năm mới 2020.
Pháo hoa cũng liên tục thắp sáng bầu trời các thành phố của Anh, Đức, Hy Lạp, Italy hay Thổ Nhĩ Kỳ, không khí vui tươi tràn ngập các bữa tiệc.
Châu Mỹ là lục địa cuối cùng đón năm mới 2020. Như mọi năm, Quảng trường Thời Đại ở New York, Mỹ, lại tổ chức lễ hạ quả cầu pha lê vào đúng giao thừa. Hơn 1,3 tấn hoa giấy được bắn lên bầu trời, tạo nên khung cảnh lộng lẫy.
Xem diễn biến chính