Với hệ thống tàu điện ngầm chằng chịt, các đường hầm hình vòm chạy dưới lòng đất đã trở thành những chiếc hộp hòa âm kỳ diệu cho thành phố Paris khi các đoàn tàu qua lại và các nhạc công đường phố biểu diễn.
Mặc cho thế giới đang quay cuồng phía trên, phía dưới sân ga Montparnasse, người nghệ sĩ già vẫn mải miết chơi violin. Giai điệu du dương từ nhạc phẩm Serenade của Schubert có khả năng làm dịu bớt sự hối hả của Paris. Rất nhiều người dừng chân lại, thả hồn mình tản bộ vào thế kỷ 19 và không quên đặt một đồng xu vào hộp đàn để cảm ơn ông lão.
Dàn nhạc đồng quê Nga ở ga Châtelet. |
Xa xa một chút, ở đoạn đường nối liền Metro 6 và 4, một anh chàng da màu cao to đang chơi guitar điện và hát rock. Bao quanh lấy anh là những người trẻ. Họ reo hò, cổ vũ và hát theo anh như thể quên mất đi cái thế giới bận rộn trên mặt đất.
Ở cổng vào Louvre từ đường Metro 1, có một phụ nữ trung niên thường chơi những nhạc phẩm mà Johann Sebastian Bach viết riêng cho cello bằng contrebass. Cũng trên đường Metro 1 nhưng ở trạm Châtelet, nhạc đồng quê Nga được tái hiện qua những khúc dân ca biểu diễn bởi một nhóm người nào sáo, nào kèn, nào guitar và nhất là accordéon.
Phía dưới quảng trường Trocadéro có lẽ là thiên đường của một anh guitarist chuyên chơi nhạc trẻ. Thường là những ca khúc hit của Katy Perry, Adele, Eminem. Anh ấy đã chơi ở đó rất lâu, khoảng 4 tuần. Mảng PR được chuẩn bị chu đáo với trang web riêng, fanpage facebook và đĩa CD thu sẵn, đi kèm với kỹ năng guitar ngoài sức tưởng tượng. Anh chàng này nhiều khả năng là dân nhạc viện. Ở châu Âu nói chung, sinh viên nhạc viện thay vì đóng cửa phòng để tập luyện, họ đi biễu diễn âm nhạc đường phố để kiếm ít tiền uống bia.
Guitarist dưới quảng trường Trocadéro. |
Đó là thế giới của những chiếc hộp nhạc cố định. Ngoài ra Paris còn sở hữu cả những chiếc hộp nhạc di động: các toa tàu. Vì đặc tính dịch chuyển đó mà không điều gì có thể được đoán trước. Nghệ sĩ nào? Ở đâu? Nhạc cụ nào? Thể loại gì? Ca khúc nào? Sự mù mịt thông tin này tạo nên tính thú vị và lãng mạn rất riêng.
Khi những nhạc phẩm như Remember When, Les yeux noirs, Cachiusa hay Besame Mucho được chơi bằng guitar, violin hay accordéon mà bạn bắt gặp trên các tuyến metro chính là lúc quy luật ngẫu nhiên bắt đầu và chính số phận sẽ chọn người chơi và người thưởng thức những giai điệu đó. Vì thế, những giai điệu này có khả năng đi vào tim người nghe khi tình cờ chạm vào quá khứ của họ.
Thế đấy, có một Paris dưới lòng đất, chưa bao giờ thấy mặt trời nhưng vẫn rất rạng rỡ và đầy màu sắc nhờ sự tô điểm của âm nhạc. Với nhiều người, Paris còn là nơi có thể thả rơi hồn mình để số phận đưa về quá khứ.
MKN