Trao đổi cùng gần 100 thí sinh tại lễ khai mạc, thầy Nguyễn Duy Trường - Giám đốc Swinburne Việt Nam cơ sở TP HCM cho biết ngày nay kiến thức là một kho tàng mở, ai cũng có thể tiếp cận qua Internet. Vậy tại Swinburne hay tham gia cuộc thi tranh biện The Debate Challenge 2022, các bạn sẽ được học những gì?
Thầy nói, trường chỉ dạy 50% kiến thức, còn lại là không gian để các em tự huấn luyện, ứng dụng thực tế, sử dụng tất cả kỹ năng để tạo nền tảng thành công. Song song với quá trình học, các em được làm giàu cách suy luận, dẫn chứng, áp dụng kiến thức vào thực tiễn.
"Cuộc thi giúp học sinh rèn luyện kỹ năng, sắp xếp ý tưởng mạch lạc để một ngày nào đó, ví dụ tương lai khi vận hành một doanh nghiệp bạn sẽ biết cách thuyết phục nhà đầu tư và gọi vốn hàng trăm triệu hay hàng tỷ USD. Tôi hy vọng chương trình sẽ thu hút thêm nhiều học sinh, tạo tiền đề giúp các em bước chân vào môi trường đại học tốt hơn", thầy Trường nhấn mạnh.
Đồng tình với chia sẻ này, anh Đỗ Hoàng Long - Cố vấn chuyên môn cuộc thi cho biết công nghệ đã thay đổi toàn bộ cách thức chúng ta học tập. Xu hướng giáo dục hiện nay xoay quanh 4C: Creativity (Sáng tạo), Collaboration (Hợp tác), Critical Thinking (Tư duy phản biện) và Communication (Kỹ năng giao tiếp). Đây cũng chính là lý do anh đồng hành The Debate Challenge 2022.
Tương tác với các thí sinh, anh Long đặt câu hỏi: bạn cảm thấy điểm khác biệt của cuộc thi là gì? Một số học sinh nêu ý kiến: chương trình tạo cơ hội tranh biện, phát triển nhiều kỹ năng cần cho tương lai.
Vị chuyên gia khen ngợi những ý tưởng này. Anh phân tích "kỹ năng tương lai" rất quan trọng. Đó cũng là điểm khác biệt của tranh biện học thuật. Lấy ví dụ, có những bạn đạt thành tích tranh biện cao nhưng vào đại học gặp nhiều thách thức vì không bắt nhịp với cách làm việc sâu bằng dẫn chứng và quy trình nghiên cứu khoa học.
Tiếp nữa là áp lực chiến thắng. Như chính bản thân anh Long, năm 2013 thuộc top 9 người nói xuất sắc nhất châu Á nhưng sang đại học thì bị loại từ vòng đầu. Thua nhiều, áp lực lại càng tăng, cuối cùng anh bình tĩnh xem xét, tự rút kinh nghiệm để tiến bộ.
"Tranh biện không chỉ xoanh quanh việc thắng thua. Mục tiêu quan trọng nhất, với kinh nghiệm của anh, là mình xác định được mục tiêu cá nhân và quản lý mục tiêu đó qua từng vòng. Như ở giải này, các bạn muốn làm chủ kỹ năng tranh biện nào: lập luận, phản biện, tổng kết, giải quyết vấn đề, so sánh đối chiếu... Bạn cần trao đổi với các thành viên trong đội, xác định mục tiêu cá nhân, như vậy sẽ không quá quan trọng thắng thua nữa", chuyên gia nói.
Sau buổi khai mạc trại hè khu vực miền Nam, các thí sinh tham gia lớp đào tạo kỹ năng tranh biện cùng anh Đỗ Hoàng Long. Toàn bộ trại hè gồm 7 buổi đào tạo kéo dài 5 ngày với các chủ đề: kỹ năng nền tảng (tư duy phản biện, nghiên cứu, thuyết trình, làm việc nhóm); kỹ năng tranh biện (tranh biện, xây dựng lập luận, quy tắc ứng xử của tranh biện viên); phổ biến luật WSDC.
Ngoài nâng cao kỹ năng cùng huấn luyện viên, thí sinh còn có cơ hội đấu giao hữu với đội khác, sẵn sàng kỹ năng và tâm lý cho vòng đấu chính thức phía sau. Một số đội đến từ tỉnh xa được hỗ trợ nơi nghỉ ngơi nhằm có điều kiện chuẩn bị tốt nhất cho cuộc thi. Sau 5 ngày trại hè là hai ngày đấu Vòng loại bảng và Vòng loại trực tiếp, tìm ra đội có thành tích cao nhất để giành quyền thi đấu vòng Chung kết khu vực.
Chung kết diễn ra vào ngày 22/8. Ở mỗi bảng đấu (Tiếng Anh hoặc Tiếng Việt) hai đội giành điểm cao nhất sẽ thi đấu, tính điểm theo luật WSDC để xác định vị trí nhất, nhì toàn quốc.
Trước đó, trại hè tranh biện Hà Nội diễn ra vào ngày 11-17/7 với 32 đội thi đã vượt qua vòng loại ở cả hai bảng Tiếng Anh và Tiếng Việt. Ngày 16-17/7, các đội tiến hành thi đấu chính thức. Kết quả, quán quân và á quân bảng tiếng Anh thuộc về hai đội ImpovELITE và Infeno. Quán quân và á quân bảng tiếng Việt lần lượt là ADT sợ BP và Trốn tìm.
Trốn tìm giành thêm giải đội có dẫn chứng tranh biện tốt nhất. Bên cạnh đó, ban tổ chức còn trao giải cá nhân cho các thí sinh tranh biện xuất sắc: Đoàn Đức Huy (bảng tiếng Việt) và Nguyễn Khánh Linh (bảng tiếng Anh).
Bài và ảnh: Minh Tú