Chia sẻ với VnExpress tại buổi ra mắt thị trường Việt Nam sáng nay (17/11), CEO The Coffee House Nguyễn Hải Ninh cho biết, mặc dù thị trường trà sữa Việt Nam đang bùng nổ nhưng để có sản phẩm trà chất lượng thì khá ít ỏi và đây chính là mảnh đất tiềm năng để công ty “đánh chiếm”. Do vậy, sau thời gian sang Đài Loan học và nghiên cứu về trà, ông quyết định lấn sân sang lĩnh vực này.
“Trước mắt chúng tôi sẽ chi khoảng một triệu USD để mở 5 cửa hàng mang thương hiệu Ten Ren trong năm nay. Nếu hiệu ứng của thị trường tốt, đến hết 2018 chúng tôi sẽ có khoảng 30 cửa hàng. Kỳ vọng một ngày mỗi cửa hàng sẽ đón khoảng 1.000 lượt khách. Tương lai, công ty sẽ mở xưởng sản xuất sản phẩm tại Đà Lạt”, ông Ninh nói và cho hay trước mắt, hệ thống bán 3 sản phẩm chính là trà truyền thống, các loại nước uống đóng chai có sẵn và trà sữa, trong đó trà sữa là sản phẩm chủ lực. Phân khúc khách hàng là giới trẻ và nhân viên văn phòng. Giá sản phẩm dao động ở mức 35.000 - 50.000 đồng một ly.
Mới đây, báo cáo từ Euromonitor cho thấy, thị trường trà sữa Việt Nam có giá trị 282 triệu USD vào năm 2016; tốc độ tăng trưởng hàng năm là 20%.
Trào lưu trà sữa không phải mới tại Việt Nam, mà đã du nhập vào từ những năm 2000 với công thức đơn giản là trà và sữa trộn cùng các hạt trân châu. Tuy nhiên, khi đó, thị trường chủ yếu là những cửa hàng nhỏ lẻ tự pha chế với giá bán khá rẻ.
Khoảng 4 năm trở lại đây, trào lưu trà sữa lại bùng phát trở lại với một bộ mặt mới khi thị trường có sự tham gia của hàng chục thương hiệu trà sữa quốc tế như Dingtea, Chago, Gongcha, Igongcha, Royal Tea, Tea Story, Toco Toco, Wang Tea và Taiwan Tea Good Tea, Chatime, Bobapop, Citea Fun, Blackball… Trong số những tên tuổi đó, không chỉ có trà sữa Đài Loan – thương hiệu hàng đầu về mặt hàng này, mà còn có trà sữa Hong Kong, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore...
Ten Ren là thương hiệu trà Đài Loan ra đời năm 1953. Đây là nhà sản xuất lớn nhất miền Viễn Đông và có lượng khách khổng lồ với hơn 300 triệu ly trà sữa được bán ra khắp nơi trên thế giới.
Thi Hà