Ngày 28/6/2003, Quốc vụ viện Trung Quốc đã thông qua nghị quyết cho phép sử dụng thẻ chứng minh ADN, bắt đầu từ ngày 1/1/2004. Các vi mạch điện tử trong thẻ chứng minh ADN sẽ lưu trữ họ tên, địa chỉ, sinh quán, quốc tịch, nơi cư trú... và các thông số về ADN cá nhân mã hóa dưới dạng dãy số 18 con số. Toàn bộ mẫu ADN dùng để làm thẻ chứng minh lấy từ tóc, máu hoặc tế bào của công dân sẽ được lưu trữ tại một trung tâm lưu trữ dữ liệu riêng biệt. Và chỉ có cơ quan cảnh sát mới có quyền tham khảo khi cần thiết. Loại thẻ chứng minh mới sẽ không có bản ấn chỉ dấu vân tay như thẻ cũ.
Thẻ chứng minh ADN được cấp cho tất cả công dân trên 16 tuổi và trẻ vị thành niên dưới 16 tuổi có yêu cầu để các em dễ dàng mở tài khoản ngân hàng hoặc mua vé máy bay. Giá của loại thẻ này ước tính khoảng 1.000 nhân dân tệ (1,8 triệu đồng). Trong tương lai, Chính phủ Trung Quốc cũng dự kiến sẽ lưu hành loại giấy thông hành mới áp dụng các kỹ thuật nhận dạng sinh học như dấu vân tay, mống mắt và ADN. Mục đích là để quản lý tốt hơn tình hình di dân trong nước.
Mỹ, Canada: Công dân phản đối thẻ ADN
Bộ Công an Việt Nam đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ cho phép lưu hành chứng minh thư in kèm chuỗi ADN của từng người. |
Cho đến nay, chỉ có Trung Quốc và một số nước vùng Vịnh chính thức sử dụng thẻ chứng minh ADN có chức năng nhận dạng. Tại Pháp, Bộ Nội vụ chuẩn bị lưu hành thẻ chứng minh điện tử (thẻ vi mạch điện tử) từ tháng 2/2002 và dự kiến chậm nhất vào năm 2006 sẽ cung cấp cho những người có yêu cầu.
Sau Thụy Điển và Phần Lan, từ tháng 4/2003, Chính phủ Bỉ triển khai thẻ chứng minh điện tử trong 11 thành phố. Còn Anh và Mỹ phải hoãn kế hoạch lưu hành loại thẻ này vì dư luận không đồng tình. Nhìn chúng các nước sử dụng thẻ chứng minh điện tử chỉ để giao dịch kinh doanh hoặc thực hiện các thủ tục hành chính công thông qua mạng Internet an toàn, và dễ dàng hơn chứ không dùng nhận dạng cá nhân.
Tại Canada, công dân lâu nay không bắt buộc phải mang theo giấy tờ chứng minh nhân thân và không bị buộc phải xuất trình, ngoại trừ vi phạm pháp luật. Những giấy tờ chủ yếu chứng minh nhân thân gồm giấy phép lái xe, giấy thông hành, giấy chứng nhận quyền công dân, giấy chứng nhận thường trú, thẻ chứng minh của quân đội. Song tất cả những giấy tờ trên cũng chỉ có giá trị chứng minh họ đã tham gia vào một hoạt động nào đó, chứ không phải dùng để nhận dạng. Hiến chương về quyền và tự do của Canada đã quy định cá nhân có quyền bảo vệ phạm vi riêng tư mà nhà nước không được can thiệp đến, trong đó có những chi tiết nhận dạng về đời tư. Do đó, khi cần kiểm tra, các cơ quan nhà nước cũng chỉ nhằm kiểm tra xem họ có tham gia hoạt động nào đó hợp pháp hay không, chứ không phải kiểm tra để nhận dạng cá nhân.
Tháng 12/2002, Canada và Mỹ đã thống nhất một chương trình hành động gồm 30 điểm về thiết lập cơ chế biên giới an toàn và ngăn chặn khủng bố. Điểm đầu tiên của chương trình này là hai nước cùng thống nhất xây dựng một kỹ thuật chung nhận dạng sinh trắc học và ban hành thẻ lưu trữ dữ liệu sinh trắc học cho người qua biên giới. Ở Canada, thẻ này được gọi là thẻ chứng minh hoặc thẻ quyền công dân. Khi Bộ nhập cư và quyền công dân Canada công bố kế hoạch này, dư luận đã phản ứng dữ dội.
Thẻ ADN có vi phạm đời tư cá nhân?
Canada dự kiến sẽ trưng cầu dân ý vào năm 2004 về thẻ chứng minh mới nhưng hiện nhiều câu hỏi vẫn chưa có giải đáp. Chẳng hạn như đây có phải là loại giấy tờ bắt buộc hay không, áp dụng cho tuổi nào, có bắt buộc lúc nào cũng phải mang theo hay không? Ai có thẩm quyền yêu cầu xuất trình thẻ, thông tin dữ liệu nào (mống mắt, dấu vân tay hay ADN) sẽ được lưu trong thẻ? Vi mạch lưu trữ những loại dữ liệu nào (hồ sơ tư pháp, hồ sơ sức khỏe hay tình trạng lao động)...?
Để bảo vệ đời tư cá nhân, nhưng vẫn duy trì an ninh xã hội, Chính phủ Canada ban hành Luật về nhận dạng bằng chỉ số di truyền quy định rất chặt chẽ những công việc liên quan lấy mẫu mã di truyền của công dân. Ngân hàng Dữ liệu di truyền Quốc gia sẽ là nơi duy nhất lưu trữ dữ liệu về mã di truyền của người bị bắt giữ và ADN thu thập tại hiện trường vụ án; đồng thời chỉ cung cấp thông tin này cho cơ quan cảnh sát. Để khỏi bị lộ, dữ liệu cá nhân được lưu trữ ở hai nơi riêng biệt: Ngân hàng Dữ liệu di truyền Quốc gia sẽ bảo quản mẫu phẩm sinh phẩm đã mã hóa và lý lịch di truyền. Trong khi đó, Cục Thông tin về hồ sơ tư pháp chịu trách nhiệm về lý lịch cá nhân và dấu vân tay của người được lấy mẫu.
(Theo Pháp Luật TP HCM)