Theo dự luật Căn cước công dân được Quốc hội thông qua chiều 20/11, từ ngày 1/1/2016, trẻ từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước công dân.
Thẻ được bổ sung ngôn ngữ tiếng Anh, gồm thông tin như: ảnh, số thẻ, họ và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn. Mặt sau có thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy.
Thẻ căn cước công dân có thể được sử dụng thay hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu. Thẻ phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Cùng ngày, Quốc hội cũng thông qua dự luật Hộ tịch (có hiệu lực từ 1/1/2016), trong đó vẫn giữ cấp giấy khai sinh cho trẻ khi sinh. Thẩm quyền cấp thuộc về UBND cấp xã nơi cư trú của người mẹ hoặc người cha thực hiện đăng ký khai sinh.
Cũng được Quốc hội thông qua trong ngày, luật Tổ chức Quốc hội sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Theo đó, Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong các trường hợp sau: Thường vụ Quốc hội đề nghị; có ý kiến bằng văn bản của ít nhất hai mươi phần trăm số đại biểu; có kiến nghị của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội; người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp.
Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu không tín nhiệm có thể xin từ chức. Trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội tín nhiệm.
Phương Trang