Ca phẫu thuật diễn ra vào tháng 9/2019, được Bệnh viện Freeman báo cáo ngày 11/1 năm nay.
Mẹ Bradley là Amber Griffiths siêu âm thai ở tuần thứ 24. Bác sĩ phát hiện thai nhi có triệu chứng bất thường ở tim, khuyên chấm dứt thai kỳ song Amber từ chối.
Bradley chào đời tại Bệnh viện Hoàng gia Victoria, thành phố Newcastle, nặng 2,7 kg. Bé lập tức được đưa đến Bệnh viện Freeman để chụp CT.
Bác sĩ chẩn đoán bé mắc Tứ chứng Fallot, gồm 4 khiếm khuyết là thông liên thất (có lỗ thông giữa hai tâm thất), hẹp phễu động mạch phổi, phì đại thất phải và động mạch chủ nằm trên vách liên thất. Các khiếm khuyết làm hạn chế lượng oxy trong máu, khiến bệnh nhân khó thở, da xanh tím, thậm chí mất ý thức và ngất xỉu.
Bradley được bác sĩ phẫu thuật thay thế van tim cơ học (van tim nhựa) khi mới 9 ngày tuổi. Song, ca phẫu thuật không thành công. Bốn tháng sau, trong một lần khóc, cơ thể cậu bé chuyển màu xanh tím.
"Chúng tôi lập tức đưa con đến bệnh viện. Bác sĩ nói rằng, căn bệnh khiến phổi thằng bé bị thiếu oxy", Amber nói.
Em phải phẫu thuật khẩn cấp. Đội ngũ y tế đề nghị cấy ghép van tim của bò cho Bradley. Ca mổ kéo dài 6 giờ. Tim cậu bé ngừng đập trong suốt thời gian đó và phải truyền tới 4 bịch máu.
Van cấy ghép được lấy từ mô cơ tim, bởi van tim bò thực tế quá lớn so với cơ thể trẻ sơ sinh. Van mô từ động vật thường mạnh mẽ và linh hoạt, có thể tồn tại từ 10 đến 20 năm. Bệnh nhân sau phẫu thuật không cần dùng thuốc làm loãng máu. Trong khi đó, van cơ học có thể dẫn đến đông máu và gây tử vong.
"Lúc đầu, tôi cảm thấy phát ốm với suy nghĩ, cơ quan của một động vật được đưa vào cơ thể con trai mình. Nhưng van mô bò đảm bảo cơ hội sống sót cao hơn, cuối cùng đã cứu mạng thằng bé. Tất cả chúng tôi đều vui mừng. Giờ thì con đang tiến triển rất tốt", Amber chia sẻ.
Ca phẫu thuật để lại vết sẹo lớn và dài, chạy dọc giữa ngực bé trai 4 tháng tuổi. Gia đình gọi em là "một chiến binh". Hiện, Bradley đã xuất viện, đang dần hồi phục, sức khỏe ổn định.
Bradley được coi là một trong số ít trẻ sơ sinh được điều trị tiên phong theo phương pháp cấy ghép van động vật tại Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS). Cậu bé cần tiếp tục phẫu thuật vào năm 2 tuổi rưỡi để thay thế một van tim mới.
Theo Tiến sĩ Babu-Narayan, Phó giám đốc Y tế tại Quỹ Tim mạch Anh, những năm 1960, phần lớn trẻ sơ sinh tại Anh bị khuyết tật tim và tử vong trước khi được một tuổi. Ngày nay, nhờ sự phát triển của y khoa, 8/10 em sống sót đến tuổi trưởng thành.
Thục Linh (Theo Metro, Daily Mail)