Thứ hai, 23/12/2024
Thứ tư, 18/5/2022, 14:01 (GMT+7)

Thầy trò nơi biển đảo Trường Sa

Khánh HòaMỗi trường học ở đảo Trường Sa có hai thầy giáo phụ trách, vừa dạy vừa chăm sóc tất cả trẻ từ mầm non đến lớp 5.

7h mỗi ngày trong tuần ở Tiểu học Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, thầy Nguyễn Bá Ngọc đánh trống báo hiệu giờ vào lớp.

Trường có hai thầy giáo đảm nhận giảng dạy, chăm sóc cho trẻ mầm non và tiểu học.

Buổi sinh hoạt đầu giờ của thầy trò là những bài hát về biển đảo quê hương. "Những ngày đầu ra đảo có chút khó khăn nhưng giờ đã quen. Tôi coi đảo là nhà, học sinh như con em mình", thầy Ngọc nói.

Một góc bàn giảng dạy của giáo viên Tiểu học Song Tử Tây. Khác với trên đất liền, lớp học ở Trường Sa thường gọi là "5 trong 1", tức 5 lớp tiểu học có thể tập trung vào một phòng nên trên bàn thầy giáo luôn có đầy đủ sách vở của các lớp.

Tình nguyện ra hải đảo giảng dạy gần 5 năm, thầy Ngọc nhận xét học sinh ở đảo hiền lành, ngoan, lễ phép và học giỏi. "Dạy học ở đảo, phương pháp phải linh động để phù hợp với giáo án, độ tuổi và tâm lý các em từ mẫu giáo đến lớp 5", thầy Nguyễn Hữu Phú, giáo viên Tiểu học Song Tử Tây cho biết.

Học sinh xã đảo Song Tử Tây dạo chơi ở bờ biển sau giờ học. Do không có trường cấp 2 nên khi tốt nghiệp tiểu học, các em sẽ được gửi vào đất liền để tiếp tục học lên.

"Trường chỉ có hai thầy giáo, nên ngoài việc dạy học, các thầy quán xuyến hết cả công tác bảo vệ, chăm lo cơ sở vật chất... của trường", thầy Phú nói.

Cũng như Tiểu học Song Tử Tây, Tiểu học Sinh Tồn chỉ có hai giáo viên nam. Ngoài phụ trách giảng dạy tiểu học, hai thầy còn chăm sóc trẻ mầm non.

Thầy Nguyễn Công Qua dán lại những hình ảnh về biển đảo trên góc học tập của trường để chuẩn bị chương trình ngoại khóa. "Nội dung dạy học ở đảo không khác gì đất liền, giáo án, đánh giá học lực học sinh... được soạn theo chương trình chung của ngành giáo dục", thầy giáo có thâm niên bốn năm ở đảo cho biết.

Ở đảo, các em học sinh cũng được tiếp cận công nghệ thông tin như tin học, được nghe đài, xem tivi... Trong ảnh là một bảng nội quy treo trên lớp học, trường Tiểu học Sinh Tồn.

Nụ cười của những đứa trẻ trên đảo Sinh Tồn khi được vui chơi cùng các thầy cô từ đất liền ra thăm đảo.

Em Lê Thị Kim Thư (học sinh lớp 4) cho biết: "Ước mơ của con được làm cô giáo để dạy học ở đảo", Thư nói.

Anh Lê Minh Hải, một người dân đảo có con đang học tại Trường tiểu học Sinh Tồn cho biết thầy giáo rất nhiệt tình, tận tâm, chu đáo. "Con em ở đảo xa có môi trường học tập khá đủ đầy nên người dân cũng rất vui, yên tâm làm ăn", anh Hải nói.

Cô giáo Đinh Thị Hợi (Quảng Ninh) tặng khăn quàng đỏ từ các bạn đất liền cho em Phạm Văn Bình, học sinh lớp 5 Tiểu học Trường Sa nhân kỷ niệm ngày Thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (15/5).

Bình cùng em trai là Phạm Văn Yên (hai anh em Bình Yên) ra đảo với với ba mẹ đã gần 4 năm. "Con rất vui khi có khăn quàng mới, con hứa học giỏi để sau này trở thành người lính hải quân bảo vệ biển trời quê hương", Bình nói.

Trường Tiểu học Trường Sa có hơn 10 học sinh, được chia làm 2 lớp. Ngôi trường khang trang một trệt, hai lầu với đầy đủ phòng chức năng như lớp học, thư viện, phòng nghỉ giáo viên...

Các em sinh hoạt Đội dưới sân trường cùng hai cán bộ Hội đồng đội Trung ương khi ra thăm đảo.

Những đứa trẻ Thị trấn Trường Sa hát bài "Quê em ở Trường Sa" tặng đoàn công tác từ đất liền ra thăm đảo trong buổi giao lưu văn nghệ.

Phước Tuấn