Cụ bà nhập viện trong tình trạng đau nhức đùi phải. Trước đó 10 ngày, cụ bị té ngã, nhưng đến khi phát hiện cụ nằm ngủ rất khó khăn, gia đình mới đưa đến bệnh viện. Kết quả hội chẩn cho thấy, bệnh nhân bị gãy liên mấu chuyển xương đùi, có bệnh kèm là thiếu máu cơ tim.
Các bác sĩ đã phẫu thuật thay khớp háng bán phần có xi măng với stemp cán dài. Một ngày sau mổ, cụ bà đã ngồi dậy ăn uống, tập vận động phục hồi chức năng. Bệnh nhân đã được cho tập đi lại và xuất viện sau 10 ngày điều trị.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Trung, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết, phẫu thuật thay khớp háng cho bệnh nhân trên 60 tuổi là một cuộc mổ lớn vì có thể dẫn đến nhiều rủi ro. Việc thay khớp háng đối với người bị gãy liên mấu chuyển xương đùi cần được xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng, có thể gây trật khớp sau mổ, thậm chí bệnh nhân có thể không đi lại được. Trường hợp này vì bệnh nhân có kèm bệnh tim mạch nên luôn đòi hỏi ê kíp mổ phải chuẩn bị mọi phương án để xử lý kịp thời các biến chứng có thể xảy ra.
Trước đó, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cũng đã thay khớp háng thành công cho cụ bà 94 tuổi, cụ ông 95 tuổi và gần đây nhất là cụ bà 97 tuổi. Sau phẫu thuật tất cả đều đi lại tốt.
Thành công của những ca phẫu thuật trên mở ra cơ hội bình phục cho những bệnh nhân lớn tuổi không may bị té ngã, gãy xương. Những bệnh nhân già yếu, lớn tuổi bị gãy xương thường rất đau đớn khi di chuyển, nếu không phẫu thuật sớm sẽ dẫn đến các biến chứng như lở loét, nhiễm trùng đường tiểu, viêm phổi…, từ đó cơ thể sẽ suy kiệt, dẫn đến tử vong. Vì thế, khi người già không may té ngã, người nhà nên nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời.
Lê Phương