Ngày 22/5, các bác sĩ khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã phẫu thuật thay khớp gối bên phải cho bà Hạnh. Đây là ca đầu tiên bệnh viện thực hiện kỹ thuật này.
Bác sĩ Trần Quang Toản, Trưởng Khoa chấn thương chỉnh hình cho biết người phụ nữ bị thoái hóa khớp hơn 10 năm, đi lại khó khăn nhưng không chữa được dứt điểm, nếu phẫu thuật sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Các bác sĩ cân nhắc rất nhiều, cuối cùng quyết định mổ thay khớp cho bà.
Theo các bác sĩ, đây là ca mổ khó bởi tình trạng thoái hóa khớp gối của bệnh nhân nặng và phức tạp. Trước phẫu thuật, bác sĩ tiến hành đo trên phim X-quang và trên chân của người bệnh để tính toán kích thước của khớp gối thay phù hợ, từ đó giải phóng và cân bằng phần mềm khớp gối hợp lý để bệnh nhân sau mổ có thể đi lại bình thường.
Bệnh nhân tuổi đã cao nên bác sĩ lựa chọn phương pháp thay toàn bộ khớp gối phải bằng kỹ thuật ít xâm lấn, có đường mổ nhỏ. Kỹ thuật này ưu điểm là tổn thương mô mềm quanh khớp ít, bộc lộ chính xác vào ổ khớp cần thay giúp bệnh nhân được giảm đau và phục hồi nhanh.
Hiện tại, hai chân bệnh nhân cân xứng và được tập phục hồi chức năng từ ngày thứ hai sau mổ, có thể bước đi với khung trợ đỡ vào ngày thứ 4. Tất cả triệu chứng đau khớp gối không còn, vết mổ liền tốt.
Bác sĩ Toản khuyến cáo khi bị đau khớp hoặc nghi ngờ tổn thương khớp, nên đi khám tại các cơ sở y tế sớm. Các trường hợp đau khớp, tổn thương khớp kéo dài sẽ được bác sĩ cân nhắc khả năng điều trị nội khoa hay cần can thiệp thay khớp.
Các thủ thuật điều trị nội khoa hoặc can thiệp trực tiếp như hút dịch, tiêm thuốc vào khớp... cần được bác sĩ chuyên khoa chỉ định để tránh tình trạng tổn thương khớp, nhiễm trùng, dính khớp... Trường hợp thoái hóa khớp gối độ 3, 4 cần phẫu thuật thay khớp với đường mổ nhỏ, giúp người bệnh nhanh bình phục.
Thùy An