Trong căn phòng vỏn vẹn 10 m2 vách gỗ, ông Nguyễn Văn Hùng giải quyết nốt công việc khi đồng hồ gần điểm giờ nghỉ trưa. Một tốp học sinh lớp một chạy ùa vào, chào thầy rồi tranh nhau lấy sách xem. Thỉnh thoảng chúng lại níu tay ông, hỏi những chi tiết không hiểu.
Khuôn viên trường Tiểu học Mê Linh chỉ 800 m2, gồm 15 phòng học - vừa đủ việc dạy và bán trú cho 451 trẻ, không còn chỗ cho chúng đọc sách. Thế nên 4 năm qua, phòng làm việc của ông Hùng có thêm chức năng thư viện. Một bên có kệ sách, ghế ngồi cho trẻ và được gắn máy lạnh. Bên kia là bàn làm việc, tiếp khách, máy in, máy photocopy cho thầy và chiếc quạt máy nhỏ.
"Tụi nhỏ là fan hâm mộ của tôi đó, thích nghe thầy kể chuyện lắm", ông Hùng nói, giọng hóm hỉnh pha chút tự hào. Thầy là một trong 50 người được trao giải thưởng Võ Trường Toản năm 2020 - danh hiệu trao tặng cho những nhà giáo tiêu biểu, có đóng góp lớn cho sự nghiệp giáo dục TP HCM hằng năm.
Năm 1979, cậu sinh viên 18 tuổi Nguyễn Văn Hùng tốt nghiệp Trung học Sư phạm, được điều động về huyện Cần Giờ nhận nhiệm sở. Ban đầu thầy dạy ở trường liên cấp Bình Khánh, sau đó được chuyển qua trường Vàm Sát. Ngày đó kinh tế còn khó khăn, phương tiện dạy học thiếu thốn, Cần Giờ càng khó hơn do vị trí hẻo lánh.
Học trò ở vùng duyên hải phải theo cha mẹ đi làm từ bé nên trông rắn rỏi, cao lớn. Các em lại thường đi học muộn nên 12-13 tuổi mới học lớp 3. Hôm khai giảng đầu tiên, thầy Hùng cùng một đồng nghiệp đã bị nhà trường nhầm là học sinh vì nhỏ con.
7 năm công tác ở Cần Giờ, từ vị trí giáo viên rồi chuyển sang quản lý, ông Hùng nói đây quãng thời gian đầy khó khăn nhưng đẹp nhất của mình. Khi đó nước ngọt khan hiếm, đường sình lầy. Lớp học đơn sơ, mỗi lần mưa to, gió và nước thốc vào. Khi đó thầy giáo đứng ôm đám trẻ như gà mẹ úm con để chúng không bị ướt.
"Chúng tôi ở nhà công vụ được cải tạo từ một khu nhà cũ nát. Có lần đi thi giáo viên dạy giỏi, chúng tôi đạt giải cao nhất nên được huyện thưởng cho một chiếc tivi trắng đen và một bình điện. Từ đó trường trở thành nơi sinh hoạt văn hoá cho cả xóm, cứ chiều đến là mọi người tụ tập coi truyền hình", ông Hùng kể.
Tháng 9/1987, ông được điều về trung tâm thành phố, nhận nhiệm sở ở trường Tiểu học Lê Lợi, quận 3. Ngồi không một tháng "buồn chân tay", ông đề xuất cấp trên sắp xếp cho làm giáo viên. Ba năm sau, ông lần lượt được phân công qua trường Kỳ Đồng, Trần Văn Đang rồi Phan Đình Phùng.
12 năm tiếp thao ông làm hiệu trưởng Tiểu học Nguyễn Thiện Thuật, nhiệm vụ rất nặng nề bởi trường có đông trẻ khuyết tật hoà nhập. Ông phải quan sát, gần gũi với từng đứa để hiểu về các sang chấn tâm lý chúng gánh chịu. Thầy không nhớ đã bao nhiêu lần xử lý trẻ bị bắt nạt, hay bị cha mẹ bỏ bê.
"Suốt những năm đó, mong muốn duy nhất của tôi là tạo ra một môi trường cho các học sinh bình thường hiểu và chia sẻ, yêu thương các bạn hoà nhập. Muốn vậy, phải rất nhẹ nhàng quan tâm và tinh tế với từng em", ông kể.
Chặng cuối trong hành trình hơn 40 năm theo nghề của thầy Hùng là trường Tiểu học Mê Linh, khi được bổ nhiệm làm hiệu trưởng năm 2011. Trường vốn hẹp, nằm trên đường Hai Bà Trưng nên thường xuyên ùn ứ mỗi sáng, ông Hùng lo học sinh không an toàn nên mỗi sáng đứng trước cổng đón. Ai đậu xe không đúng chỗ hoặc không đội mũ bảo hiểm cho con, ông nhẹ nhàng nhắc. Gần mười năm nay, phụ huynh đã quen mặt ông giáo có nước da ngăm, đầu lấm tấm bạc cùng nụ cười hiền.
"Đặc sản" của trường Mê Linh được học sinh thích nhất là những câu chuyện từ thầy hiệu trưởng mỗi buổi chào cờ đầu tuần. Thay vì những lời căn dặn khô khan, ông biến thành những chuyện hài, vui tươi, ngụ ngôn.
Một năm nữa sẽ nghỉ hưu, ông Hùng cho biết chưa một ngày hối tiếc vì đã chọn nghề giáo.