Tác giả Trần Minh Thương (bút danh: Thạch Ba Xuyên), 52 tuổi, là hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, hiện giảng dạy môn Ngữ Văn tại Trung học Phổ thông Ngã Năm (Sóc Trăng).
Về chữ "vấn vương' trong tên sách, tác giả cho biết: "Vấn vương bởi hồn quê và tuổi thơ. Trẻ con miền quê sáng sớm cứ nao nao chờ bà bánh tằm, bánh da lợn, bánh khoai mì nướng chèo dọc theo con rạch nhỏ để kêu mua, ăn lót dạ trước khi đến lớp. Trai gái tỏ tình nhau rủ ra quán bánh cống, bánh vá, bánh hỏi ở đầu xóm. Thú vị nào bằng khi cuộn cho người mình yêu từng miếng rau, miếng bánh vừa ngỏ lời hẹn ước trăm năm. Để rồi sau biết bao bôn ba trên đường đời xuôi ngược, tuổi xế chiều các bà lại truyền dạy cho cháu gái gói bánh ít, bánh tét, vùa quết bánh phồng, cách tráng bánh tráng để sau này làm dâu".
Tập sách hơn 200 trang, với 48 bài viết do Trần Minh Thương chấp bút, Nhà xuất bản Tổng hợp TP HCM phát hành. Vấn vương hương vị bánh quê giới thiệu những loại bánh đặc trưng từng vùng miền, qua đó làm nổi bật nét đẹp của đời sống người Tây Nam Bộ.
Thông qua một số bài viết, tác giả miêu tả về từng loại bánh hay chè, như Về miền sông nước ăn bánh nắn lá, Ngọt lịm chén chè đậu xanh, đậu trắng, Lạ miệng với miếng bánh bầu, Bánh canh nước cốt dừa, Đến miền Tây ngất ngây bánh chuối, Cái bánh có nhiều dị bản nhất ở miền Tây Nam Bộ, Ăn bánh bò nhớ câu hò điệu lý.
Nghệ thuật ẩm thực là một trong những dấu ấn văn hóa thể hiện tinh thần của người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long. Các món quà quê như bánh, chè đã theo chân những người khai hoang đến vùng đất này. Do tính sáng tạo và sự phóng khoáng, cởi mở chấp nhận sự khác biệt, người miền Tây vừa chế biến món ăn theo đặc điểm truyền thống, vừa thể hiện sự ứng biến với những nguyên liệu có sẵn.
Có những món bánh có từ lâu đời, ở những miền xa đều được biến tấu để phù hợp khẩu vị địa phương. Nhờ sự sáng tạo qua nhiều năm, đồ ăn có phần khác xa so với bản gốc. Qua tác phẩm, Trần Minh Thương ca ngợi đời sống ẩm thực của vùng sông nước, để góp phần gìn giữ những nét văn hóa dân gian.
Theo tác giả, cùng một thứ bánh, món chè nhưng ở mỗi vùng mỗi khác. Khác cả về tên gọi, cách chế biến lẫn khẩu vị. Ông cho rằng mỗi nhà có sở thích riêng, nhà thích béo, nhà ưa ngọt. Cho nên khi làm bánh, nấu chè, mỗi người đều pha chế, nêm nếm theo cách của mình. "Họ nêm nếm bằng mắt, ước lượng bằng tay, mà đã gọi là một ít, một nhúm, một lon thì nhiều ít không thể chính xác như cách dùng đơn vị gram, khía, lít như cách cân đong thời hiện đại", Trần Minh Thương viết.
Các bài viết cung cấp cho độc giả cái nhìn khái quát về thức quà quê giản dị nhưng có sự phức tạp trong khâu chuẩn bị, chế biến. Ví dụ, tác giả miêu tả trong bài Bánh xèo, bánh khọt: "Bánh xèo với nguyên liệu chính là bột và nhân bánh. Nhưn được kết hợp giữa thịt, trứng, tôm tép với đậu, giá, năn, củ hủ dừa. Rồi từ đó có người lại kết hợp hai, ba, thậm chí nhiều hơn các thứ có được, kiếm được để làm ăn. Bột cũng vậy, người thích màu vàng thì dùng nghệ hay bột cà ri để hòa vào, người lại thích màu đỏ cho lạ mắt thì dùng cơm trái gấc mà lấy nước để pha bột bánh. Rau sống ăn kèm với bánh xèo thì năm, ba, bảy thậm chí trên cả chục có khi đến hai chục loại khác nhau".
Những tác phẩm của Trần Minh Thương thường lấy chủ đề miền Tây Nam Bộ, gồm Chuyện ăn uống của người bình dân Sóc Trăng, nhìn từ góc độ văn hóa dân gian (2015), Trò chơi dân gian Sóc Trăng (2016), Hương sắc miền Tây (2018), Ăn Tết chơi Tết miền Tây (2020), Phong tục miệt Nam sông Hậu (2020), Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu Giang (2022).
Quế Chi