Cô Nguyễn Ngọc Uyên Thương, hiệu phó trường Bồi dưỡng Giáo dục, quận Gò Vấp, nơi thầy Nguyễn Ngọc Ký công tác trước khi về hưu, cho biết giáo viên, học sinh đều đau buồn trước sự ra đi của thầy, một tấm gương vượt khó, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ.
Cô Trần Thị Bích Thuận, một cựu phó hiệu trưởng trường Bồi dưỡng Giáo dục, quận Gò Vấp, chia sẻ hàng năm vào những dịp lễ, Tết, cô cùng các đồng nghiệp thường tới thăm thầy. "Thầy chạy thận ba lần nhưng vẫn đi trò chuyện, truyền cảm hứng cho học sinh ở nhiều nơi", cô Thuận kể.
Nguyễn Ngọc Ký sinh ngày 28/6/1947 tại Hải Thanh, Hải Hậu, Nam Định. Ông bị liệt đôi tay từ năm bốn tuổi. Bảy tuổi, ông quyết tâm đến trường và dùng chân để viết. Năm 1962, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu. Năm 1963, khi đang học lớp 7, ông tham dự kỳ thi sinh giỏi Toán toàn quốc và đứng thứ 5, được Hồ Chủ tịch tặng huy hiệu vì thành tích vượt khó học giỏi lần thứ hai.
Năm 1970, Nguyễn Ngọc Ký tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa Ngữ Văn, sau đó đi dạy và trở thành Nhà giáo Ưu tú năm 1992. Ông cũng là nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân. Nhà thơ Tô Hoài nhận xét Nguyễn Ngọc Ký là tấm gương vượt khó cho lớp trẻ và những người kém may mắn noi theo.
Đến năm 1994, ông chuyển từ Nam Định vào TP HCM định cư, làm việc tại quận Gò Vấp để vừa công tác vừa chữa bệnh. Sau 35 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, đồng thời là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Nguyễn Ngọc Ký được tuổi trẻ cả nước biết đến trong suốt 50 năm qua và là tấm gương sáng qua các bài học trong sách giáo khoa như: Em Ký đi học (sách tập đọc lớp 3 từ 1964-1983), Anh Ký đi học (sách Kể chuyện lớp 4 từ 1983-2000), Bàn chân kỳ diệu (sách Tiếng Việt lớp 4 từ 2000 đến nay).
Năm 2005, ông về hưu, vừa sáng tác văn học cho thiếu nhi, vừa làm tư vấn Tâm lý giáo dục qua tổng đài 1088 của TP HCM.
Tôi đi học là tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký. Đây là tự truyện ông kể về cuộc đời mình, được viết khi ông bắt đầu quãng đời sinh viên vào tháng 9/1966 tại khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cuốn sách ra mắt độc giả lần đầu với tên Những năm tháng không quên vào năm 1970 - khi ông vừa tốt nghiệp, sau được đổi tên thành Tôi đi học và tái bản nhiều lần. Mở đầu cuốn Tôi đi học có trích lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết về nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký: "Nguyễn Ngọc Ký là tấm gương vượt khó tuyệt vời. Quý lắm. Đoàn cần nhân rộng để các em học tập. Tuổi thơ Việt Nam bây giờ hơn lúc nào hết cần biết ước mơ, biết phấn đấu, đặc biệt vượt qua chính mình như Nguyễn Ngọc Ký để thành đạt".
Bình Minh - Thanh Hằng