Xuất thân trong gia đình bố mẹ đều làm nông nghiệp ở huyện Kim Bôi (Hòa Bình), cuộc sống vất vả khiến chàng trai sinh năm 1987 Bùi Văn Thảo suy nghĩ chỉ có chăm chỉ học tập mới mang lại cuộc sống ổn định. Vì ước muốn trở thành thầy giáo, anh đã lựa chọn ngành sư phạm. Khi lựa chọn ngành, thấy mầm non có chỉ tiêu tuyển nam, không suy nghĩ nhiều anh đăng ký và trúng tuyển.
“Theo học mầm non, hàng xóm bảo với bố mẹ tôi mang nó đến bệnh viện khám đi, vì thấy không bình thường, xưa nay ngành này chỉ dành cho nữ giới. Tuy nhiên, tôi không bận tâm nhiều”, anh Thảo kể. Thời gian đi học do không có tiền nộp học phí, anh đã mang ngô nhà trồng lên trường và tối nào cũng bán ngô ở cổng bệnh viện để kiếm tiền.
Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình, vì cưới vợ sớm và có một con nhỏ, áp lực gia đình đè nặng buộc thầy giáo trẻ phải đặt mục tiêu đỗ kỳ thi biên chế giáo viên mầm non, có công việc ổn định để lo cho vợ con. Vì những nỗ lực đó, anh đã trở thành giáo viên mầm non xã Bắc Sơn, huyện Kim Bôi.
Càng tiếp xúc, anh càng thấy yêu trẻ và gắn bó với nghề. Hiện anh dạy lớp 3-4 tuổi với 34 cháu. Không có lợi thế về sự khéo léo như các cô giáo, thầy Thảo phát huy sở trường ở cách kể chuyện sinh động, dạy trẻ hát. Trong các tiết dạy múa, dù không dẻo như các cô, anh vẫn cố gắng hết mức, chăm chú chỉnh sửa từng động tác cho học trò. Chính vì thế thầy được trò rất yêu quý.
Cô Bùi Thị Thao, giáo viên cùng trường đồng thời là phụ huynh của trẻ đang học lớp thầy Thảo, nhận xét: “Thầy rất nhiệt tình, đi làm sớm nhất trường. Thầy chăm sóc và vệ sinh cá nhân cho trẻ rất tốt, đặc biệt là hát hay”.
Phó hiệu trưởng trường nầm non xã Bắc Sơn, cô Bùi Thị Huệ, chia sẻ dạy trẻ mầm non rất cực nhọc, các em chưa tự phục vụ, đến trường hay khóc quấy, lười ăn. "Là phụ nữ đôi khi cũng thấy nản, việc thầy Thảo được trò yêu mến khiến tôi rất khâm phục. Thầy không bao giờ nề hà hay phàn nàn mà ngược lại làm rất tốt công việc của mình", cô Huệ nói.
Từ khi trở thành giáo viên mầm non, thầy Thảo tự nhận thấy đã thu hoạch được nhiều thứ. Trước anh nóng tính, song do đặc thù công việc nên đã học được tính kiên nhẫn; tiếp xúc nhiều với trẻ khiến anh trở thành người khéo léo, từ lời ăn tiếng nói, cách đi đứng, ăn mặc và cả cách giao tiếp với trẻ, với phụ huynh.
Thầy giáo mầm non duy nhất của huyện Kim Bôi đưa ra phương châm sống cho mình: “Sống là phải cố gắng và hãy bằng lòng với những gì mình có”. Hiện tại thầy rất hài lòng với công việc của mình và chưa bao giờ cảm thấy hối hận khi đã chọn nghề “nuôi dạy trẻ”.
Bùi Phương