15 năm nay, người dân vùng biển Đa Lộc đã quen với hình ảnh thầy giáo Đào Thanh Hương, giáo viên trường THCS Đa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) trên chiếc xe đạp đi dậy học.
Năm 1976, Hương chào đời cũng là lúc mẹ anh khóc ngất khi thấy con trai đỏ hỏn, thiếu hai bàn chân và nửa cánh tay trái. Anh bị di chứng chất độc da cam từ người cha từng chiến đấu ở Quảng Trị. Lên 2 tuổi, đặt đâu Hương nằm đó. Được 3 tuổi, mẹ bắt đầu tập cho anh bước đi. Đôi chân ngắn cũn cứ bước đi là ngã. Đến khi chai cả vùng da chân tiếp xúc với mặt đất, Hương mới biết đi.
15 năm nay, dù thiếu hai bàn chân và nửa cánh tay trái, thầy Đào Thanh Hương vẫn hàng ngày đạp xe đi dạy học. Ảnh: Hoàng Phương. |
Đến tuổi đi học, cậu bé háo hức đến trường. Đôi chân Đào Thanh Hương bước trên đường làng đầy sỏi đá, trên đồi cát ven biển đến tứa máu, đau nhức, chai sạn. Cuối lớp 9, Hương biết rằng muốn tiếp tục đi học thì phải tập đi xe đạp bởi nhà cách trường huyện tới cả chục cây số. Bố vắng nhà, mẹ bận dạy học và chăm em nhỏ, mình Hương tập đạp xe. Chỉ có tay phải, cậu khó nhọc để có thể ngồi lên yên xe.
Bao lần ngã tóe máu, bầm dập chân tay, Hương nản chí quẳng xe vào góc nhà không tập nữa. Thế rồi, một lần bố về phép, hai cha con cùng tập đi xe. Những lời động viên của người cha khiến anh phấn chấn, lại tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ đến trường. Hơn nửa năm sau, Hương có thể tự đạp xe đến trường dù tốc độ rất chậm và bị ngã nhiều lần.
Anh nhớ như in ngày đầu bước chân vào trường huyện. Cặm cụi đạp xe đi từ 4h sáng, dọc đường Hương bị ngã xe mấy lần. Tới được trường, anh mệt quá gục xuống ngay cửa lớp. Tỉnh dậy trong phòng y tế của nhà trường, đôi chân anh tê nhức rần rật và sưng vù bởi lần đầu tiên đạp xe đi học xa.
Ba năm đi học, biết bao lần Hương bật khóc vì ngã xe cả trăm lần, có khi còn bị bạn bè giật cặp sách, trêu chọc là “không tay, không chân”. Nhưng danh hiệu học sinh giỏi cùng nhiều phần thưởng là niềm động viên anh tiếp tục đến trường.
Ngưỡng mộ hình ảnh mẹ bên trang giáo án, cộng với tình yêu văn học, Đào Thanh Hương quyết định thi sư phạm Văn, Cao đẳng Sư phạm (nay là ĐH Hồng Đức). Đậu với số điểm khá cao, nhưng anh bị nhà trường từ chối vì lý do khuyết tật. Không cam lòng, chàng trai 18 tuổi viết bức “Quyết tâm thư” gửi đến ban giám hiệu, trình bày mong muốn được đi học và cam kết chỉ học hai năm đầu đại cương ở trường, sau đó sẽ xin liên hệ học tập nơi khác.
Nhiều năm liền thầy là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh. Ảnh: Hoàng Phương. |
Gần một tuần chờ trả lời, Hương sống trong tâm trạng thấp thỏm. Ban ngày anh lang thang ở cổng trường, tối ngủ ở khu giảng đường của sinh viên. Khi được thầy hiệu trưởng thông báo cho phép nhập học, anh òa khóc vì sung sướng. "Lúc đó cứ như có ma xui quỷ khiến, nghĩ đến công sức 12 năm học và cổng trường sư phạm, giảng đường quá gần rồi, tôi không thể từ bỏ”, thầy Hương xúc động nhớ lại.
Vừa đi học, anh vừa dạy miễn phí cho lớp học tình thương để rèn giũa kỹ năng sư phạm. Hết hai năm đại cương với số điểm cao nhất khoa, anh được nhà trường cho phép học tiếp. Tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc, thầy Hương trở về chính mái trường THCS Đa Lộc dạy học. Chuyên môn giỏi, lại gần gũi, thầy nhận được sự yêu mến của nhiều học trò.
15 năm công tác, thầy Hương liên tục là giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, trực tiếp đào tạo nhiều học trò đi thi đạt thành tích cao. Thầy Phạm Văn Đồng, Hiệu phó nhà trường nhận xét, thầy Hương có chuyên môn giỏi, lại là nhân tố tích cực góp phần đưa phong trào Đoàn trường đi lên. Thầy được học sinh bình chọn là một trong số giáo viên được yêu quý nhất trường.
Câu chuyện tình yêu của thầy Hương luôn được thầy cô giáo trong trường nhắc đến với sự ngưỡng mộ. Một lần đi đường, do tránh xe ngược chiều nên thầy bị ngã vào vũng nước. Đang loay hoay thì có người đến dựng xe, đỡ thầy dậy rồi vội vàng đi luôn. Cuối năm 2004, khi cô Trần Thị Hương về công tác tại trường THCS Đa Lộc, hai người nhận ra nhau.
Cuộc sống hạnh phúc của gia đình thầy Hương. Ảnh: Hoàng Phương. |
Qua thời gian, thầy Hương đã dành trọn tình cảm cho người con gái xinh đẹp, dịu dàng ấy. Cô cũng từ chối nhiều người theo đuổi, quyết tâm lấy đồng nghiệp làm chồng, mặc sự phản đối của gia đình.
Năm 2005, hai người tổ chức đám cưới, cuối năm đó họ hồi hộp đón đứa con đầu lòng. Nhiều đêm thầy không ngủ, sợ con sinh ra sẽ bị di chứng chất độc da cam, vợ chồng đi siêu âm đến 11 lần. Chỉ đến khi Đào Minh Hiếu lành lặn ra đời, cả hai mới thở phào. Con trai kế Đào Trần Nguyên mới 10 tháng tuổi bụ bẫm, khỏe mạnh không kém gì anh trai.
Đôi lúc, thầy cảm thấy chạnh lòng vì không thể như người chồng khác chở vợ đi chơi bằng xe máy, không giúp được vợ những việc nặng nhọc. Hiểu chồng, cô Hương chưa bao giờ trách. Ngoài giờ lên lớp, họ cùng nhau chăm sóc con cái, trao đổi bài giảng. Trong căn nhà mới xây luôn vang tiếng cười con trẻ, vợ chồng không còn phải lo bồng bế con chạy bão mỗi mùa biển động.
Thầy chia sẻ, giai đoạn cơ hàn nhất của cuộc đời tạm đi qua, giờ là lúc cảm thấy hạnh phúc nhất từ trước đến nay. Ba mẹ con chính là món quà lớn nhất mà cuộc sống bù đắp lại khi lấy mất của thầy cánh tay trái và đôi bàn chân.
Nhìn chồng cưng nựng con trai, cô Hương cười hạnh phúc. Gần 10 năm gắn bó, dù nhiều lúc vất vả nhưng chưa bao giờ cô thấy mệt mỏi khi ở cạnh chồng. “Không hiểu sao lần đầu gặp gỡ đã thấy thương rồi yêu lúc nào không biết, cuối cùng chỉ muốn chung sống với anh ấy đến suốt cuộc đời. Một người khuyết tật về cơ thể nhưng lại trọn vẹn về tâm hồn”, cô nói.
Hoàng Phương