Trong kháng nghị ra ngày 23/10, VKSND Tối cao cho rằng mức án không đúng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh đối với loại tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em.
VKSND Tối cao kháng nghị, yêu cầu Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử lại vụ án. Bản án sơ thẩm và phúc thẩm xác định bị cáo 27 tuổi là giáo viên địa lý của trường THPT Lê Quý Đôn thuộc huyện Chư Prông, Gia Lai.
Sáng 2/4/2017, Dân có hành vi khiếm nhã với nữ sinh lớp 10 khi em xuống phòng của bị cáo tại khu tập thể giáo viên. Khi nạn nhân phản đối, Dân đã cho em về.
Tại phiên sơ thẩm ngày 2/10/2017, Dân bị TAND huyện Chư Prông phạt 7 tháng tù về tội Dâm ô đối với trẻ em. Ngày 20/7/2018, bị cáo được TAND tỉnh Gia Lai cho hưởng án tù treo trong phiên tòa phúc thẩm.
Theo VKSND Tối cao, dù sau đó bị kháng nghị, bản án trên vẫn được TAND Cấp cao tại Đà Nẵng giữ nguyên vì nhận định bị cáo Dân không trực tiếp dạy nạn nhân nên không áp dụng tình tiết tăng nặng định khung "phạm tội đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục", theo khoản 2 điều 116 Bộ luật hình sự 1999. "Nhận định này là sai", VKSND Tối cao nêu trong kháng nghị.
Vụ án Đinh Quang Dân được xét xử theo Bộ luật Hình sự sửa đổi 2009. Theo đó, tội Dâm ô đối với trẻ em có khung hình phạt nhẹ nhất từ 6 tháng tới ba năm tù. Nếu có tình tiết phạm tội với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh, khung hình phạt sẽ được tăng từ ba đến 7 năm tù.