Trong căn phòng rộng hơn 10 m2 của ngôi nhà ở huyện Đông Anh, một tấm vải xanh giăng kín bức tường, xung quanh là dàn đèn hắt sáng, chân máy quay và laptop. Thầy Nguyễn Duy Nhất, 31 tuổi, đội chiếc bờm màu hồng, uyển chuyển di chuyển từ trái sang phải, múa minh họa theo lời bài hát đang ngân lên.
Thầy vừa múa, vừa hát, khuôn mặt biểu cảm theo từng câu chữ. Những video âm nhạc sau đó được thầy dựng rồi gửi cho học trò trường Tiểu học Đông Thái, quận Tây Hồ, tập theo. Phòng studio tự chế này được thầy dựng từ đầu năm 2020, khi học sinh phải học online do Covid-19.
Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội năm 2012, thầy Nhất trở thành giáo viên âm nhạc của một số trường quốc tế và THCS ở Hà Nội. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy kỳ vọng có sự tương tác, hưởng ứng tuyệt đối từ học sinh trong mỗi tiết học. Nhưng sự kỳ vọng lại mang đến cú sốc, dẫn tới thay đổi sau này.
Trong một lần lên lớp, thấy học sinh không chép bài, thầy giáo lại gần hỏi lý do. Nam sinh lớp 6 đứng phắt dậy, lớn tiếng: "Con không thích học môn này với thầy. Thầy thích thì đi dạy các bạn khác".
Đứng trước cậu học trò đang trừng mắt nhìn mình, thầy Nhất thấy người nóng bừng, run lên, khóe mắt ướt nhoèn. Lớp học trùng xuống, mọi ánh mắt đổ dồn về thầy giáo trẻ. "Tôi ức khi bỏ ra nhiều tâm huyết nhưng nhận lại phản ứng thiếu tích cực. Mới ngoài 20 tuổi, tôi chưa sẵn sàng cho những tình huống đó", thầy Nhất kể, giọng nói trầm ấm bỗng nhỏ lại.
Thầy đã không xử phạt học sinh vì muốn là người truyền cảm hứng hơn là phải dùng biện pháp cứng rắn. Môn âm nhạc vốn ít thầy, nhiều cô khiến thầy Nhất không ít lần bị học sinh cá biệt trêu chọc, bình luận "ông pê đê". Có thời điểm thầy bị sang chấn tâm lý, tự hỏi liệu mình có chọn sai nghề?
Bình tĩnh nhìn lại bản thân, thầy nhận ra cần hiểu tâm lý học sinh, quan sát kỹ và để ý hơn để có cách tiếp cận phù hợp. Thầy dành thời gian tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của học sinh cá biệt trong lớp, quan sát xem các em giao lưu với bạn nào trong giờ ra chơi. Chiều tan học, thầy còn đi theo học sinh để thấy được cách nói chuyện, ứng xử của em đó với bố mẹ và người xung quanh.
Để gần gũi học trò, anh ngồi bên cạnh, khoác vai trò chuyện, đôi khi mang đến cho chúng đồ ăn vặt yêu thích. Thầy Nhất nhận ra học sinh THCS đã biết thể hiện cái tôi, hay so sánh và đánh giá, trong khi trẻ tiểu học luôn thần tượng thầy cô.
"Cá tính, cách biểu đạt, từ ánh mắt đến điệu bộ cơ thể của tôi phù hợp với lớp nhỏ hơn. Tôi cũng muốn lan tỏa nhiều hơn năng lượng tích cực và vui vẻ. Vì thế, tôi chọn dạy tiểu học", thầy Nhất giải thích.
Năm 2014, thầy Nhất làm giáo viên hợp đồng ở trường Tiểu học Đông Thái. Muốn các con đến lớp âm nhạc phải vui, xả stress sau các tiết học khác, thầy lồng ghép trò chơi, ảo thuật hay đóng kịch vào nội dung bài học.
Thầy sẵn sàng đeo bờm thỏ, nơ, cài hoa hay ruy băng lên đầu để học sinh tiếp cận bài học sinh động nhất. Tùy theo chủ đề và nội dung bài học, thầy sẽ có cách biến hóa riêng làm học sinh không thể đoán hôm nay thầy hóa trang là gì. Học bài hát về bảo vệ môi trường, thầy biến thành cây, dán bông hoa to ở mặt và dính những con sâu bằng giấy khắp người. Học trò cười lăn lộn, vỗ tay rào rào.
Lớp này học xong sẽ kể với lớp khác về hình ảnh thầy Nhất và chờ đợi buổi tiếp theo. "Học sinh ra về lầm lũi, không đập tay, cười vui với thầy thì buổi học đó thất bại. Tôi hiểu học sinh của mình nhất và biết rõ bản thân có năng lực gì, từ đó nghiên cứu, vận dụng kiến thức, sự sáng tạo cho bài giảng", thầy giáo nói.
Mỗi ngày, thầy Nhất có 7 tiết dạy. Tiết đầu buổi chiều, học sinh vừa ngủ dậy còn uể oải, thầy sẽ vực dậy tinh thần các em bằng trò chơi khởi động hoặc điệu nhạc, bài hát bắt trend. Nếu dạy tiết cuối, thầy bắt đầu bằng một bài rap trong chương trình Rap Việt đang được yêu thích. Đến tiết âm nhạc, các con sẽ chạy ùa xuống phòng học vì biết chắc thầy Nhất đang đợi để trao cho chúng điều bất ngờ.
Thầy Nhất không mất nhiều thời gian lên ý tưởng, kịch bản cho mỗi giờ dạy. Thầy thường ngồi nhắm mắt, sắp xếp dữ liệu trong đầu rồi nghĩ ra cách dẫn dắt bài học bằng hình thức câu đố, động tác phụ họa hay trò chơi. Dựa vào phản ứng của học trò, thầy tự đánh giá được màn thể hiện có quá đà hay không.
Hiểu tâm lý học sinh, thầy Nhất không chỉ khiến các con vui mà còn phát hiện ra năng khiếu của những học sinh đặc biệt. Một nam sinh lớp 3 bị tự kỷ, thường xuyên gào khóc, đập bàn ghế trong lớp. Đến giờ học, anh kéo em này lên múa cùng, gợi ý hát nhạc bolero, luyện thanh và gõ nốt.
"Tôi bất ngờ khi con hát được và gõ nốt chuẩn. Cả lớp vỗ tay khen ngợi và không còn xem bạn không có giá trị nữa. Từ đó, học sinh ấy trở nên hăng hái, tự tin và thích giờ âm nhạc vì được là người nổi tiếng", thầy Nhất phấn khởi nhắc đến cậu học trò đặc biệt.
Đam mê với công việc nhưng suốt 8 năm làm giáo viên hợp đồng, với đồng lương hơn 2 triệu đồng/tháng, thầy Nhất gặp khó khăn khi gồng gánh cả gia đình. Có thời điểm, thầy bị thoát vị đĩa đệm nặng, phải nằm một chỗ. Tự ti vì không còn nhảy múa được và nghĩ bản thân hết giá trị, thầy xin nghỉ việc.
Năm 2019, một năm sau ca mổ thành công, thầy được Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ mời trở lại trường Đông Thái, đặc cách biên chế. "Tôi đã nghĩ không thể tiếp tục công việc này được nữa. Nhưng nếu bỏ việc mình làm tốt nhất, tức là chịu thua sao? Cuối cùng tôi quyết định duy trì nó, cứ cống hiến hết mình rồi sẽ nhận được quả ngọt", thầy Nhất quả quyết nói.
Hôm đầu tiên trở lại trường, nhóm học sinh lớp 3-4 biết có tiết âm nhạc đã chạy quanh hô tên thầy và đi theo vào lớp. Quen với tiếng nói trên loa, với sự hiện diện của thầy Nhất mỗi ngày nên khi không thấy thầy một thời gian dài, nhiều học sinh thắc mắc. Chúng nghĩ do mình không ngoan nên thầy không dạy nữa.
Được nhà trường tạo điều kiện nên ngoài giờ dạy, thầy Nhất hiện làm MC sự kiện, tổ chức hoạt động ngoại khóa, team building hay biểu diễn văn nghệ để có thêm thu nhập. Thầy cũng thường xuyên sáng tác các bài hát và dựng video tại nhà với sự hỗ trợ và ủng hộ của vợ, con.
"Tôi biết ơn ngôi trường Đông Thái, các phụ huynh và học sinh yêu quý đã giúp tôi có động lực, giữ lửa đam mê. Nghề đã chọn nên tôi không phàn nàn thu nhập thấp hay cao. Tôi mong có sức khỏe để tiếp tục cống hiến, mong có đồng nghiệp giống mình để học sinh luôn thấy vui vẻ khi đến trường", thầy Nhất nói.
Nhắc đến thầy Nguyễn Duy Nhất, cô Nguyễn Thị Kim Chung, Hiệu phó trường Tiểu học Đông Thái, bày tỏ sự tự hào: "Thầy Nhất tâm huyết, sống hết mình với từng tiết học và luôn nghĩ mọi cách để học sinh vui. Thầy tài năng, hoạt ngôn lại múa rất dẻo, biết sử dụng công nghệ và tổ chức các trò chơi giúp học sinh không chán khi học trên lớp hay học online".
Nhiều lần ngồi dự giờ âm nhạc của thầy Nhất, cô Chung như được hòa cùng không khí vui tươi, hạnh phúc của học trò. Cô Chung cho hay thầy Nhất phụ trách các hoạt động tập thể, văn nghệ trong trường, nhiều khi còn đảm nhận làm MC hay dựng tiết mục cho quận. Phụ huynh rất thích cho con tham gia câu lạc bộ do thầy Nhất phụ trách.
Bình Minh