"Có hai phụ nữ, dường như là người bán hàng rong, chỉ trỏ về phía tôi và cô ấy. Tôi biết họ nói xấu mình khi nhận ra nét mặt không vui của người bạn nữ đi cùng", Nnadozie Uzor Nadis, thầy giáo tiếng Anh tại TP HCM, chia sẻ với VnExpress về buổi đi dạo đầu tiên trên đường Đồng Khởi năm 2008.
Cô gái mà họ đang bàn tán là Linh, người hỗ trợ Nadis trong chuyến đi đầu tiên của anh từ Nigeria tới Việt Nam. Đến cuối đường Đồng Khởi, anh dừng lại, hỏi Linh về những điều hai người phụ nữ đã nói, nhưng cô trả lời "Không có gì đâu, anh đừng lo".
"Không, Linh à, bạn như em gái tôi vậy. Họ đã nói những gì, hãy nói cho tôi biết, nếu không tôi sẽ ra đó làm cho ra nhẽ mọi chuyện", Nadis nói.
Khi anh quay đầu bước về phía hai phụ nữ, Linh hoảng hốt ngăn lại. "Họ xì xào rằng tại sao em lại hẹn hò với một người da màu? Tại sao không phải người Việt, người da trắng, mà phải là da đen? Họ tự hỏi liệu em có làm gái?", cô lúc này mới nói thật với anh.
"Đó là một trải nghiệm tồi tệ", Nadis cho biết, bởi anh tới Việt Nam với mong muốn chữa lành tinh thần sau sự ra đi của mẹ, người đã có tác động rất lớn đến anh từ khi bố mất sớm. "Tôi thực sự buồn và thất vọng, bởi có cảm giác những tiếng xì xào sau lưng như vậy ở khắp mọi nơi. Tôi cảm thấy không an toàn và về nước ngay sau đó".
Vài tháng sau, Linh liên lạc, thông báo rằng một trường ở TP HCM muốn mời Nadis về dạy tiếng Anh với mức thù lao tương xứng. "Cô ấy ra sức thuyết phục, và tôi đã đồng ý quay lại, nhưng nói rằng chỉ tối đa 6 tháng", anh kể.
Nhưng lần này, thay vì để ý đến những lời bàn tán sau lưng, Nadis quan tâm và muốn tìm hiểu về mọi thứ tại Việt Nam. "Tôi nhận ra cách duy nhất để hiểu về đất nước này là thực sự hòa mình vào văn hóa và cuộc sống của người bản địa", anh nhớ lại thời điểm tìm đến trung tâm dạy tiếng Việt cho người ngoại quốc ở quận 1.
Khi bắt đầu học tiếng Việt, Nadis không khỏi sốc về "độ khó nhằn" của ngôn ngữ này. Anh tìm rất nhiều cách ngoài giáo trình để học tiếng Việt, như luyện nói với hướng dẫn viên, hay nghe nhạc, xem phim. Mỗi khi nghe được từ lạ, Nadis ghi vào sổ, nhưng không thể viết đúng chính tả nên viết các phiên âm tiếng Anh gần tương tự để thay thế.
"Tôi đã dành rất nhiều buổi chiều ở quán cà phê để hiểu được tiếng Việt, bởi biết rằng đây không chỉ là cách để hòa nhập với cuộc sống bản xứ, mà còn là chìa khóa để giải quyết những tình huống tương tự buổi tối trên đường Đồng Khởi năm đó".
Khi trình độ tiếng Việt khá hơn, Nadis bắt đầu kết bạn, tương tác với mọi người. "Họ mở lòng với tôi nhiều hơn, sẵn sàng giúp đỡ tôi, khi thấy tôi bỏ công sức học tập và tìm hiểu về cuộc sống ở Việt Nam. Tôi cũng gặp những người Việt vô cùng tốt bụng và bắt đầu phải lòng mảnh đất này".
Sau 6 tháng ban đầu, Nadis tiếp tục quay lại Việt Nam và đã trải nghiệm rất nhiều điều tích cực, khi tình người, lòng hiếu khách dần xóa mờ những ấn tượng xấu. Anh được bạn bè và học sinh gọi với cái tên thân mật đậm chất Việt Nam: "Thầy Nam". Anh cũng tham gia nhóm điều hành cộng đồng khoảng 600 người Nigeria sinh sống ở Việt Nam.
"Tình hình hiện nay đã rất khác so với 15 năm trước. Việt Nam ngày càng thu hút nhiều người nước ngoài, trình độ tiếng Anh của người dân trong nước được cải thiện đáng kể. Nhiều người da màu nói với tôi rằng họ giờ đây cảm thấy an toàn và thoải mái hơn rất nhiều so với những năm trước", Nadis nói.
Anh nhận định những trường hợp phân biệt người da màu đã giảm đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều điều mà hai cộng đồng có thể nỗ lực để hòa hợp hơn nữa.
"Chúng ta cần trò chuyện nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn về văn hóa và những điểm chung của nhau trong bầu không khí tôn trọng", Nadis nói, đồng thời khuyến khích người nước ngoài sống ở Việt Nam học tiếng Việt vì "giao tiếp là chìa khóa để hai bên hiểu nhau".
Một ngày gần đây, Nadis đến siêu thị tiện lợi, mở laptop làm việc thì nghe thấy tiếng cười lớn của một nhóm học sinh trung học ngồi gần đó. "Đám nhóc cho rằng tôi không biết tiếng Việt và bắt đầu nói những ngôn từ rất khủng khiếp mà tôi không dám nhắc lại", anh kể.
Nadis bất ngờ khi nhóm bạn trẻ đó lại có phát ngôn quá thoải mái như vậy trước mặt mình. "Thay vì nổi giận như 15 năm trước, tôi cảm thấy có trách nhiệm uốn nắn chúng với tư cách là một người làm nghề giảng dạy", anh nói.
Anh đứng dậy, chỉ vào cậu học sinh cao lớn nhất trong nhóm và nói rõ ràng bằng tiếng Việt: "Con tên gì?". Câu hỏi của Nadis khiến nhóm học sinh đang ồn ào bỗng dưng im bặt, không tin nổi những gì mình vừa nghe.
Khi nhóm học sinh không dám trả lời, Nadis giải thích rằng khi các em đối xử với người nước ngoài bằng sự tôn trọng, ngay cả khi họ không biết tiếng, đó là cách để thể hiện tình yêu với Việt Nam.
"Các em tôn trọng người khác không phải vì tiền bạc hay địa vị xã hội của họ, mà vì họ ăn nói tử tế, vì đó là điều nên làm và cũng là cách các em tôn trọng chính bản thân mình", thầy giáo dạy tiếng Anh kể lại với giọng cười nhẹ nhõm khi "đã làm những gì cần làm, bởi lũ trẻ là niềm hy vọng kế tiếp của mảnh đất tôi yêu".
Đức Trung