Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Đặng Văn Bài cho biết, Việt Nam đang xây dựng hồ sơ khoa học của danh nhân Chu Văn An để đề nghị UNESCO phối hợp tổ chức kỷ niệm 650 năm ngày mất của ông vào năm 2020. "Việc UNESCO và các quốc gia ủng hộ, phối hợp tổ chức kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của danh nhân trong nước, vừa là cách vinh danh họ, vừa nâng cao vị thế của quốc gia với quốc tế", ông Bài nói.
Tiêu chí của UNESCO khi phê duyệt hồ sơ và tổ chức lễ kỷ niệm là người đó phải có tầm ảnh hưởng trong khu vực, quốc tế; năm kỷ niệm chia hết cho 50. Các lĩnh vực được xem xét mức độ ảnh hưởng của danh nhân gồm: văn hóa, giáo dục, khoa học tự nhiên - xã hội và thông tin (trừ liên quan đến chiến tranh).
Theo PGS Bài, danh nhân Chu Văn An có ảnh hưởng rất lớn tới nền giáo dục Việt Nam, được tôn là Vạn thế sư biểu - người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam. Tư tưởng nổi bật của ông là tự học, tự lập, học tập suốt đời và là tấm gương tôn sư trọng đạo... Tuy nhiên, để được thế giới vinh danh, Việt Nam phải chứng minh tư tưởng đó mang hơi thở thời đại, hợp xu hướng quốc tế.
Việc xây dựng hồ sơ khoa học của danh nhân Chu Văn An được giao cho Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Giám đốc Trung tâm Lê Xuân Kiêu cho biết, khó khăn lớn nhất là tìm được tư liệu gốc liên quan đến danh nhân.
"Với sự tàn phá của chiến tranh, các tác phẩm nổi tiếng, thể hiện tư tưởng của cụ như Thất trảm sớ - bản sớ trình lên vua xử tử 7 gian thần; Tứ thư thuyết tước - tóm tắt 4 bộ sách lớn gồm Luận ngữ, Mạnh Tử, Đại học, Trung dung, làm giáo trình dạy học, không còn. Người đời sau biết đến nó chỉ qua chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư", ông Kiêu nói.
Đơn vị này đang liên hệ với các nhà khoa học, sử học, giáo dục... để chung tay tìm kiếm tư liệu, lập hồ sơ khoa học về người thầy mẫu mực Chu Văn An. Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hồ sơ sẽ được nộp cho Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.
Hành trình để UNESCO phê duyệt hồ sơ còn trải qua nhiều chặng như: vận động ít nhất hai quốc gia ủng hộ hồ sơ của Việt Nam; gửi công hàm kèm hồ sơ và đề xuất việc kỷ niệm tới UNESCO trước ngày 15/1/2019. Sau khi được Hội đồng chấp hành UNESCO xem xét, trình Đại hội đồng vào cuối năm 2019, hồ sơ khoa học của danh nhân Chu Văn An mới có cơ hội được phê duyệt.
"Việc lập hồ sơ khoa học về danh nhân Chu Văn An nếu không được vinh danh ở quốc tế, cũng là dịp để Việt Nam phát huy tinh thần học tập, đạo đức người thầy. Điều này đặc biệt có giá trị trong bối cảnh giáo dục Việt Nam có nhiều câu chuyện đau lòng như cô giáo ép học sinh uống nước giẻ lau bảng, bắt học sinh quỳ, học trò hành hung giáo viên...", PGS Bài nhấn mạnh.
Trước Chu Văn An, hai danh nhân Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại thi hào Nguyễn Du từng được UNESCO vinh danh, tổ chức kỷ niệm ngày sinh.
Danh nhân Chu Văn An (1292-1370) là người làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm, nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ông "tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Chu Văn An ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa". Khi đất nước có quá ít trường học, nhân dân phần lớn thất học, Chu Văn An đã mở trường Huỳnh Cung tại quê nhà để dạy đạo, dạy chữ cho con em nhân dân. Dưới thời vua Trần Minh Tông (1314-1329), Chu Văn An được mời ra làm Tư nghiệp (tức hiệu trưởng) trường Quốc Tử Giám, trông coi việc học cho cả nước và dạy cho thái tử Trần Vượng (sau là vua Trần Hiến Tông). Dưới thời Trần Dụ Tông, triều chính, đất nước rối ren, Chu Văn An nhiều lần can gián và viết Thất trảm sớ dâng vua đề xuất chém 7 quyền thần gian nịnh. Sinh thời, ông được dân chúng ca ngợi về phẩm chất thanh cao và được tôn là Vạn thế sư biểu, nghĩa là người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam. |