Anh Tỉnh, 41 tuổi, ở xã Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn vốn học Sư phạm Hóa học tại trường Đại học Hồng Đức. Năm 2006, sau khi nhận tấm bằng cử nhân sư phạm, anh được phân công về giảng dạy tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Quan Hóa, cách quê nhà gần 100 km.
Ba năm giảng dạy ở miền núi, anh Tỉnh vẫn trăn trở ước mơ khởi nghiệp, tìm hướng thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương. Năm 2008, tình cờ tìm hiểu trên Internet, anh nhận thấy mô hình nuôi giun quế ở TP HCM phát triển rất tốt song ngoài miền Bắc chưa ai làm. Vốn đam mê nông nghiệp, sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định thực hiện "cú quay xe đời người".
Tỉnh viết đơn tạm nghỉ nghề giáo viên. Đồng nghiệp, gia đình và hàng xóm đều bất ngờ với ý định của chàng trai vừa bước sang tuổi 26. Người thân ra sức can ngăn song không lay chuyển được ý chí của Tỉnh.
"Biết tôi bỏ nghề, bố mẹ bắt xe lên tận trường để động viên nên suy nghĩ thấu đáo", anh Tỉnh kể. Sau khi nghe giải thích, bố mẹ miễn cưỡng xuôi theo quyết định của anh dù trong lòng đầy hoài nghi.
Rời bục giảng, Tỉnh gom góp tiền tiết kiệm, xin thêm bố mẹ lộ phí rồi khăn gói vào Nam học nuôi giun quế. Ba tháng sau khi nắm bắt thành thạo kỹ năng, anh về quê tận dụng mảnh vườn rộng hơn 200 m2 của gia đình gầy dựng trang trại. Tỉnh nhờ bố mẹ cắm sổ đỏ vay ngân hàng được hơn 300 triệu đồng để xây lều lán, nhà xưởng và mua con giống.
Gần nhà có trang trại bò sữa quy mô lớn, anh kết nối nhập nguồn phân bò về nuôi giun. Chỉ sau năm tháng, sản phẩm giun quế và phân hữu cơ của anh đã thành công với những mẻ đầu tiên có thể xuất bán. Tuy nhiên, đây cũng chính là thời điểm khó khăn nhất mà Tỉnh phải đối diện. Sản phẩm giun quế làm ra không có thị trường tiêu thụ.
Theo anh Tỉnh, nuôi giun quế sẽ cùng lúc cho ra nhiều sản phẩm, từ phân bò sẽ cho ra giun quế làm thức ăn cho cá tôm, ngoài ra còn thu được lượng lớn phân hữu cơ để trồng rau sạch, bón cây cảnh... Vì chưa có thị trường nên Tỉnh lỗ nặng.
"Sau cỡ nửa năm, tôi bắt đầu ngấm đòn vì số vốn ban đầu đã nướng sạch vào giun quế mà chưa thu được đồng lợi nhuận nào", anh Tỉnh kể. Khó khăn cứ thế kéo dài gần bốn năm, có thời điểm anh phải đi vay lãi ngày để duy trì trang trại và nộp tiền đáo hạn ngân hàng.
Thất bại không làm chàng trai nản lòng. Anh đi khắp nơi giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường. Cuối năm 2012, một số trang trại nuôi tôm và trồng rau hữu cơ trong tỉnh bắt đầu tìm đến đặt hàng.
Hiện sản phẩm giun quế và phân hữu cơ của anh Tỉnh đã có mặt ở nhiều tỉnh thành. Quy mô trang trại mở rộng lên hơn 2.000 m2. Mỗi năm, anh xuất bán hai vụ giun quế gồm giun tươi, giun khô, phân hữu cơ... Đầu ra luôn ổn định, gần như không có hàng tồn kho.
Giá bán giun quế tươi dao động 35.000-40.000 đồng, giun khô 200.000-300.000 đồng một kg, khách hàng là các trang trại nuôi tôm cá, thủy sản. Sau khi thu hoạch giun quế, trang trại còn thu về sản phẩm phân hữu cơ để cung cấp cho các nhà vườn làm rau sạch, trồng cây xanh, hoa lan.
Theo anh Tỉnh, quy trình nuôi giun quế không cần kỹ thuật phức tạp song phải lưu tâm đến nguồn thức ăn đầy đủ, khống chế thiên địch và phân phối độ ẩm vừa phải. Từ năm 2015, anh chủ động hoàn toàn các yếu tố kỹ thuật nuôi giun quế, đơn hàng đến cũng đều đặn hơn. Anh sau đó phát triển thành mô hình chăn nuôi khép kín tuần hoàn gồm con bò - con giun - con lươn. Chất thải từ nuôi trâu bò, nuôi lợn ở vùng nông thôn được thu gom về làm thức ăn cho giun, sản phẩm từ nuôi giun sẽ quay lại phục vụ trồng trọt.
Ngoài ra, anh Tỉnh còn kết hợp lấy sản phẩm giun quế làm thức ăn, nuôi lươn không bùn, đồng thời liên kết nuôi giun bao tiêu đầu ra cho hàng chục trang trại, gia trại của người dân địa phương.
Gần đây, nhận thấy nhu cầu thu mua sản phẩm giun khô làm dược phẩm, anh Tỉnh đang chuyển hướng nuôi giun sau đó cho phơi sấy để cung ứng cho doanh nghiệp dược phẩm, thay thế nguồn giun khai thác kiểu tận diệt trong tự nhiên.
Với chuỗi sản phẩm này, mỗi năm anh Tỉnh có tổng doanh thu 2-3 tỷ đồng, lợi nhuận sau khi trừ chi phí khoảng 500-700 triệu đồng. Trang trại cũng giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương.
Tỉnh chia sẻ chính quyết định liều lĩnh thời trai trẻ như "cú ngược dòng" giúp anh có được cơ ngơi ngày hôm nay.
Ông Lê Trung Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Sơn, cho biết trang trại nuôi giun quế của gia đình anh Tỉnh là mô hình đầu tiên và thuộc diện lớn nhất ở huyện Triệu Sơn. Cũng từ mô hình này, hiện nay trên địa bàn có nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế tốt nhờ liên kết chăn nuôi với anh Tỉnh.
Mô hình trang trại tuần hoàn của anh Tỉnh không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn ở địa phương. Ngoài ra, trang trại cũng góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở các vùng quê, nơi người dân chăn nuôi gia súc khá nhiều.
Năm 2009, anh Tỉnh vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2009 với ý tưởng khởi nghiệp từ nuôi giun quế.