Quý I/2021, có ít nhất 7 thương vụ rót vốn triệu USD vào các lĩnh vực startup được công khai.
Các thương vụ rót vốn triệu USD vào startup quý I/2021 |
||
Đơn vị nhận vốn | Đơn vị rót vốn | Giá trị rót vốn |
Momo | Goodwater, Warburg Pincus | 99 triệu USD |
ELSA | Vietnam Investments Group, SIG | 15 triệu USD |
Got It | VNG | 6 triệu USD |
Go2Joy | HB Investment, Platform Partners Asset Management | 2,3 triệu USD |
Genetica | Dave Strohm, Craig Sherman, Guy Miasnik | 2,5 triệu USD |
Citics | Vulpes Investment Management, Nextrans, TheVentures | 1 triệu USD |
GoStream | VinaCapital Ventures | 1 triệu USD |
Theo bà Thái Vân Linh, CEO TVL Group, Cố vấn cấp cao Openspace Ventures, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đang có những bước tiến sôi nổi, chứng tỏ sự phát triển của thị trường cũng như sự lạc quan của các nhà đầu tư.
Có hai lý do cơ bản cho diễn biến này, bao gồm việc các công ty công nghệ Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ nhờ đón đầu số hóa. Cùng với đó, người tiêu dùng được trải nghiệm sự tiện lợi trực tuyến, từ việc mua bán trên mạng xã hội đến gặp gỡ qua mạng.
Trong các thương vụ này, vai trò và bóng dáng của các quỹ ngoại hiển hiện khá rõ, dù từng có những lo ngại đại dịch sẽ khiến họ chùn chân. Theo bà Linh, năm vừa qua là khoảng thời gian của sự nhìn lại và sáng tạo. Nhiều doanh nghiệp tiến hành đánh giá lại sản phẩm và dịch vụ cũng như tìm kiếm những phương pháp mới để mang đến những giá trị mới cho khách hàng.
"Các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng đã thực hiện quá trình tương tự. Họ xem xét các khía cạnh khác nhau để tìm ra những tiềm năng ở mỗi công ty khởi nghiệp, không tính đến những trở ngại trước mắt", bà nói.
Để đạt được điều đó, nhiều quỹ đã đầu tư vào các doanh nghiệp có lượng khách hàng lớn hoặc có mức doanh thu tăng trưởng liên tục.
Sự phát triển trong dài hạn cũng là một yếu tố quan trọng. Với hơn 55% dân số dưới 35 tuổi, Việt Nam không chỉ có dân số trẻ mà còn rất cởi mở với sự thay đổi và sẵn sàng dùng thử những sản phẩm mới hay áp dụng những công nghệ mới.
Về dài hạn, một số sự kiện lớn diễn ra đang góp phần tạo nên nền tảng cho sự phát triển không ngừng của lĩnh vực khởi nghiệp và sự tự tin tham gia của quỹ ngoại. Việt Nam có các FTA giúp các startup dễ dàng mở rộng cơ sở khách hàng ra thị trường nước ngoài. Và sự phát triển không ngừng của cơ sở hạ tầng sẽ giúp tăng năng suất của hoạt động logistics và nâng cao mức sống của người dân.
Cộng đồng người Việt ở nước ngoài đang chuyển dần về Việt Nam với những kinh nghiệm chuyên sâu học hỏi được từ các công ty nước ngoài. Ngoài ra, các du học sinh cũng lựa chọn quay về nước, mang theo những quan điểm quốc tế về đổi mới và tăng trưởng. Lực lượng này cùng với chuyên gia trẻ được các tập đoàn lớn trong nước đào tạo tạo nguồn cung nhân lực dồi dào cho startup.
Động thái "chăm sóc" của các quỹ ngoại với hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cũng đã có nhiều thay đổi. Trong 10 năm qua, sự quan tâm từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài tăng lên đều đặn. Tuy nhiên, nhiều quỹ trong số này có trụ sở chính ở các quốc gia khác.
"Trụ sở của họ có thể tại Singapore và họ chỉ bay sang Việt Nam mỗi tháng hoặc mỗi quý một lần để "khám phá". Một số quỹ đầu tư lớn tại các thị trường lâu đời, chẳng hạn như Mỹ, đã thành lập các văn phòng khu vực tập trung vào thị trường châu Á với trụ sở tại các quốc gia khác", bà Linh nói.
Gần đây, một số quỹ đầu tư như Monk’s Hill Ventures, Genesia Ventures và Wavemaker Partners đã tiến thêm một bước khi làm việc với những cá nhân đang sinh sống tại Việt Nam. Theo nữ chuyên gia, điều đó thể hiện sự tín nhiệm lớn đối với thị trường này. Họ nhận thấy tiềm năng đủ lớn để dành nguồn lực tìm hiểu thị trường và định hướng cho các nhà sáng lập tài năng ở đây.
Một trong những gương mặt mới nhất quyết định hiện diện với văn phòng đại diện ở Việt Nam là Openspace, đang quản lý hơn 425 triệu USD, nơi bà Linh nhận lời làm Cố vấn cấp cao. "Chúng tôi tin rằng startup 'kỳ lân' tiếp theo sẽ đến từ Việt Nam, Philippines hoặc Thái Lan", bà nói.
Về xu hướng starup thời gian tới, bà Linh cho rằng "xu hướng nào không quan trọng" mà hãy xem đây là thời điểm để khám phá và thử nghiệm.
Nếu người sáng lập cố gắng xây công ty để chạy theo một xu hướng đang diễn ra thì đã quá muộn so với các đối thủ hiện có trên thị trường. Thay vào đó, họ phải có sẵn sản phẩm, xây dựng cơ sở khách hàng và vận hành trơn tru trước khi xu hướng diễn ra. Nhờ vào đó, khi xu hướng xảy ra, công ty sẽ có khả năng phát triển nhanh chóng để đáp ứng được tất cả nhu cầu của thị trường.
"Tôi gặp gỡ nhiều chủ doanh nghiệp đang thực hiện việc này. Covid-19 có thể đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của họ, nhưng sau đó họ nghĩ ra những cách mới để thay đổi. Và hiện tại, họ đi trên một con đường mới", bà nói.
Ngoài ra, "Shark Linh" cho rằng startup đừng chỉ nghĩ về tiền khi gọi vốn mà nên xem xét các hạng mục khác nhà đầu tư có thể mang lại cho công ty, như hướng dẫn chiến lược, sự giới thiệu với các đối tác và việc tư vấn vận hành. Những hỗ trợ đó sẽ giúp startup gia cố sự chống chịu trước những khó lường mà đại dịch cỏ thể mang đến trong tương lai.
Viễn Thông