From: phamkhactien
Sent: Saturday, October 24, 2009 5:56 PM
Thầy Đức thân mến,
Đọc tâm sự của thầy, tôi nghĩ độc giả sẽ buông ngay một câu "trảm đi cho rồi, còn chần chờ gì nữa". "Trảm" ai, từ từ thầy sẽ thấy! Xin được miễn bàn về vợ thầy, mà chỉ xin mạo muội chia sẻ vài suy tư của riêng tôi về chữ "Thầy".
Sở dĩ tôi gọi anh bằng thầy vì trước đây tôi cũng là thầy. Tôi rất kính trọng những người thầy chân chính. Cho phép tôi cứ gọi thế nhé.
Trước tiên, tôi xin được vỗ tay hoan hô và thán phục thầy về khả năng chịu đựng và tấm lòng bao dung vị tha của thầy mà không mấy đàn ông có thể làm được như vậy. Về điểm này, trông thầy có vẻ giống thầy… tu hơn. Những gì thầy viết cho thấy thầy rất hài hước, có thể tính hài hước đó và cái chất "thầy tu" trong thầy đã níu kéo thầy duy trì đời sống hôn nhân của thầy cho đến giờ phút này.
Thầy Đức ạ, chắc thầy cũng đồng ý với tôi làm thầy phải có uy. Có thể một người thầy đào tạo hết lớp này đến lớp khác ra trường, nhưng mãi mãi ông ta cũng chỉ được học viên dành cho một cái cười "nhếch mép" mỗi khi được nhắc tới. Đơn giản, ông ta không có uy.
Thầy được nhân viên và học viên yêu quý kính trọng, điều đó có nghĩa thầy là một người thầy tốt và có uy. Nhưng tại sao lại có chuyện "chồng làm thầy, vợ đốt sách" thầy Đức nhỉ? Thầy hãy kiểm tra lại toàn bộ "hành lý" làm thầy của thầy xem, thiếu cái gì, cái gì chưa phù hợp?
Tôi từng quen biết một vài ông giáo già, có đến ba thế hệ làm nghề giáo. Nghèo, giản dị, nhưng gia đình của họ rất nề nếp, vui vẻ hạnh phúc. Phải chăng cái chất "thầy" của họ đã ăn rất sâu vào đời sống gia đình và làm cho họ hạnh phúc?
"Thầy" đúng nghĩa trước tiên phải là người dẫn đường và đồng hành. Có thể học viên không hình dung họ sẽ đi đến đâu và đi như thế nào, nhưng "thầy" phải biết rõ điều đó trước tiên và hướng học viên của mình cùng "tiến".
"Thầy" không có nghĩa là làm thay cho học viên, cũng chẳng phải cầm tay chỉ việc từng chút một, mà phải biết cách giúp họ tìm ra hướng giải quyết vấn đề đúng không thầy Đức?
"Thầy" dù có yêu mến học viên đến mấy, nhưng khi học viên có những sai phạm thì tùy mức độ mà nhắc nhở, khiển trách kể cả những hình phạt phù hợp để răn đe. Điều đó là cần thiết phải không thầy?
"Thầy" phải biết bao dung, tha thứ khi học viên phạm sai lầm. Đôi khi "thầy" cũng phải có chữ "nhẫn" và khả năng chịu đựng thật tốt để cho học viên nhiều thời gian và cơ hội sau năm lần bảy lượt mắc sai lầm sẽ "ngộ" ra mà thay đổi. "Nhẫn" và "chịu đựng" không có nghĩa là "án binh bất động", là không làm gì cả. Vẫn phải có những động thái phù hợp với đức tính kiên nhẫn và chịu đựng.
Học viên mắc sai lầm triền miên cho đến khi "tạm biệt" thầy, mà thầy vẫn "cười tươi như hoa" còn "chúc mừng em đã hoàn thành khoá học và ra trường", thì lúc đó chữ "nhẫn" và "chịu đựng" của "thầy" được con điểm zê-rô tròn trĩnh, vì đích thị "thầy" không phải kiên nhẫn cũng chẳng phải chịu đựng mà là… nhu nhược vì không dám "động" đến trò.
Thôi, chữ "Thầy" chỉ xin được lan man tí chút như thế.
Mong thầy Đức nhận ra những gì cần làm để chấn chỉnh gia đình. Có vẻ sự chịu đựng của thầy cũng gần đến "hạn chót", hy vọng những đức tính tốt của một người thầy trong thầy "phát huy tác dụng" để mọi người trong gia đình thầy được hạnh phúc chứ đừng biến những đức tính tốt đó thành… zê-rô!