Ông Gary Small, giáo sư thần kinh học tại Viện Thần kinh học phân tử Mỹ đã tiến hành nghiên cứu vấn đề này. Ông chọn ra 20 người và đưa 10 người vào một chương trình sống do ông lập ra. Những người tham gia phải tập luyện thể thao, rèn luyện các bài tập thần kinh, thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng, ăn uống theo chế độ có lợi cho não (chẳng hạn như ăn cá và các loại thực phẩm chứa những chất béo có lợi cho sức khỏe). 10 người còn lại không sống theo chương trình.
Những người theo chương trình bắt đầu một ngày bằng việc tập thể dục, ăn thực phẩm có lợi cho sức khỏe, đi bộ 10 phút, làm các bài tập trí nhớ và thực hiện các bài tập giảm căng thẳng. Sau 2 tuần, 75% đối tượng tham gia chương trình đã có tiến bộ đáng kể khi làm các bài tập kiểm tra trí nhớ được đánh giá dựa trên thang điểm. Số điểm họ ghi được tăng 20 -30% so với trước khi tham gia chương trình. Ngoài ra, huyết áp của họ cũng giảm đi (huyết áp giảm đồng nghĩa với việc sức khỏe não tăng lên).
"Nhiều nghiên cứu đã cho thấy nếu bạn tiến hành một hoạt động như đọc sách báo, chơi bài, chơi nhạc cụ, khiêu vũ chỉ 1 ngày trong tuần, bạn sẽ giảm được 7% nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ. Nếu bạn tiến hành được 11 hoạt động kiểu như vậy trong 1 tuần, nguy cơ mắc bệnh giảm 63%. Sự thay đổi lối sống có tác dụng rất lớn. Những tính toán trên máy tính cho thấy nếu mọi người đều có ý thức thay đổi lối sống của mình theo một cách nào đó thì số ca mắc bệnh ở riêng nước Mỹ sẽ giảm 1 triệu ca trong vòng 2 năm rưỡi và giảm 2,5 triệu ca trong vòng 20 năm", ông Small nói.
Theo bà Catherine Bryan, phát ngôn viên của Hiệp hội Alzheimer Mỹ thì có 3 nhân tố giúp duy trì sức khỏe của não. Đó là kiểm soát các chỉ số của cơ thể (chẳng hạn như chỉ số cholesterol, cân nặng), rèn luyện thân thể và trí óc, bồi bổ não bằng các thức phẩm có lợi cho sức khỏe. "Cái gì tốt cho tim bạn thì cũng tốt cho bộ não của bạn. Đây là thông điệp mà các nhà khoa học muốn gửi đến tất cả mọi người", bà Bryan nói.
Việt Linh (theo Healthday)