PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng, Trưởng phân khoa Gan mật, BV Đại Học Y Dược TP HCM và Th.S BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương, Phó khoa Tiêu hóa - Gan Mật - BV Nguyễn Tri Phương đã dành cả buổi sáng để giải đáp hàng trăm ý kiến bạn đọc gửi về chương trình tư vấn cách phòng, điều trị chứng ợ chua, ợ nóng và khó tiêu.
- Chào bác sĩ,
Dạo gần đây tôi luôn có triệu chứng đầy bụng, buồn nôn, thức ăn ở trên họng, nước miếng luôn trào ngược, ợ lên... nói chung cảm giác vô cùng khó chịu. Xin cho hỏi tôi bị bệnh gì, điều trị như thế nào? Xin cảm ơn (Lý, 31 tuổi, Quận 1)
- Th.S BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương, Phó khoa Tiêu hóa - Gan Mật - BV Nguyễn Tri Phương :
Thân chào độc giả VnExpress!
Bạn có thể bị viêm loét dạ dày kèm theo chứng trào ngược dạ dày. Bạn cần đi khám ngay ở chuyên khoa tiêu hóa để được khám và cho nội soi dạ dày, từ đó bác sĩ sẽ có chẩn đoán chính xác và cho phác đồ điều trị thích hợp với bạn.

- Thưa bác sĩ, xin cho tôi hỏi nguyên nhân vì đâu gây nên bệnh ợ chua khó tiêu? Nếu bị thì nên ăn uống như thế nào để hết hẳn? (Tran Anh Vũ, 30 tuổi)
- PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng, Trưởng phân khoa Gan mật, BV Đại Học Y Dược TP HCM.:
Chào bạn!
Tình trạng ợ chua khó tiêu là biểu hiện rối loạn tiêu hóa trên, có thể do rất nhiều nguyên nhân, chẳng hạn bệnh trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày tá tràng. Muốn chẩn đoán chính xác, cần phải hỏi kỹ thêm một vài triệu chứng và nội soi dạ dày để đánh giá rõ nguyên nhân. Các rối loạn tiêu hóa trên thường liên quan đến chế độ ăn uống và sinh hoạt. Do vậy, chúng ta cần ăn uống điều độ, giảm các thức ăn chua cay, chất kích thích, rượu bia và thuốc lá. Nếu triệu chứng cấp tính, có thể sử dụng một số thuốc trung hòa hoặc giảm tiết axit kết hợp với thuốc điều hòa co bóp của dạ dày để điều trị.
- Tôi thường xuyên sau bữa ăn trưa khoảng 2 tiếng hay thấy bụng đầy, ấm ách khó chịu về đêm hay bị nóng râm ran, đau ngực khi bị ngồi dậy uống một cốc nước lọc thì có giảm. Cho tôi bị bệnh gì, nguyên nhân tại sao? (Môn Vu, 40 tuổi, Hà Nội)
- BS Trần Ngọc Lưu Phương:
Nếu bạn là nam và hơi mập thì với triệu chứng bạn kể gần như bạn đã bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Bệnh này thường gặp ở nam giới, béo phì, béo bụng do uống rượu, bia nhiều, hút thuốc lá.
Nếu bạn là nữ thì triệu chứng này là những triệu chứng điển hình của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ mắc bệnh này ít gặp hơn nam.
- Em bị đau dạ dày, đã uống thuốc nhưng vẫn không thấy đỡ. Em hay bị nóng dạ dày và ợ hơi nhiều, mỗi lần ợ hơi cổ em rất khó chịu và buốt cả răng miệng, em quan sát có cục máu đông nhỏ trong miệng vài ngày lại hết sau đó nổi cục khác, xin hỏi bác sĩ có phải nguyên nhân đau dạ dày mà hình thành không ạ. Nhờ bác sĩ giúp em trị hết căn bệnh dạ dày này luôn nó làm em không làm được việc cơ thể em nóng cả ngày rất khó chịu? em xin cảm ơn! (Trương Trần Ngoc, 30 tuổi)
- Bác sĩ Bùi Hữu Hoàng:
Chào Ngọc.
Triệu chứng mà em vừa mô tả rất thường gặp, liên quan đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản và viêm loét dạ dày. Khi có cảm giác nóng rát, ợ chua lan lên cổ và buốt cả răng miệng, chứng tỏ lượng axit trào ngược từ dạ dày đã đi lên xa vùng răng miệng, có thể gây viêm hầu họng, làm khàn giọng, ho khan và viêm loét vùng miệng, thậm chí bị mòn răng. Những trường hợp này cần phải sử dụng các thuốc ức chế tiết axit mạnh như thuốc ức chế bơm proton và phối hợp với một loại thuốc đặc biệt là sodium alginate tạo thành lớp màng ngăn bảo vệ cho thực quản không bị axite tác động. Bạn nên đến khám chuyên khoa tiêu hóa để được tư vấn và làm thêm một số xét nghiệm để xác định và chẩn đoán.

- Thưa bác sĩ. Hiện nay tôi đang sống tại Hà Nội. Cũng đang bị hiện tượng trào ngược thực quản, thỉnh thoảng hay ợ nóng và đầy hơi. Do tính chất công việc nên việc sinh hoạt ăn uống không điều độ, tôi hay bỏ bữa ăn chính. Tôi cũng thường xuyên phải tiếp khách nhiều nên việc rượu bia là không tránh khỏi. Vậy nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi về cách điều trị cũng như loại thuốc mà tôi nên dùng để điều trị. Rất mong nhận được sự tư vấn của bác sĩ. Trân trọng cảm ơn (Nguyễn Căn Lưu, 40 tuổi, Hà Nội)
- BS Trần Ngọc Lưu Phương:
Với cách ăn uống và sinh hoạt của bạn thì ngoài việc bạn bị mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản, bạn sẽ rất dễ bị viêm loét dạ dày.
Trước mắt, tôi có vài lời khuyên dành cho bạn:
- Bạn nên hạn chế thức ăn chua, cay
- Không nên tối quá trễ: thông thường bữa ăn tối nên cách thời điểm đi ngủ khoảng 2 tiếng
- Bạn không nên mặc đồ và nịt lưng quá chật.
- Nếu được, bạn nên tập thể dục để giảm cân
- Tạm thời, khi cảm thấy khó chịu, bạn có thể dùng sản phẩm có chứa hoạt chất Sodium Alginate. Hoạt chất này có tác dụng tạo màng ngăn chống hiện tượng trào ngược nên có thể làm giảm triệu chứng ợ nóng của bạn. Ngoài ra, bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được khám và tư vấn kỹ.
- Xin bác sĩ tư vấn về chứng thường đầy ở cổ. Sau khi nội soi bao tử, đại tràng và soi vùng họng không có vấn đề, nhưng chúng đây ở cô luôn làm tôi khó chịu vào buổi tối và buổi sáng khi thức dậy. Tôi đã đi khám nhiều nơi nhưng không tìm ra nguyên nhân. Mong bác sĩ tư vấn! (Nguyen thi Thao, 54 tuổi, 77An duong Vuong ,P An lac A,QBT)
- Bác sĩ Bùi Hữu Hoàng:
Xin chào Thảo!
Triệu chứng thường đầy ở cổ hoặc cảm giác bị vướng nghẹn ở cổ cũng là biểu hiện của bệnh trào ngược dạ dày thực quản mà trước kia người ta không biết đến, nên thường đi khám các chuyên khoa tai - mũi - họng và chữa hoài không khỏi.
Thực chất đây là tình trạng chất axit từ dạ dày trào lên thực quản và vùng hầu họng, gây viêm tại chỗ, tạo cảm giác kích thích khó chịu ở cổ. Triệu chứng thường nặng về đêm hoặc lúc mới ngủ dậy vì ở tư thế nằm, dịch axit dễ bị trào lên vùng hầu họng nhiều hơn. Nếu điều trị đúng bằng các thuốc ức chế tiết axit kết hợp với thuốc điều hòa nhu động dạ dày sẽ giải quyết được triệu chứng. Nếu tình trạng trên vẫn còn kéo dài, bạn nên kiểm tra nội soi vùng hầu họng để loại trừ thêm các bệnh lý khác đi kèm.
- Tôi đã điều trị vi khuẩn HP và kiểm tra lại đã âm tính nhưng còn đầy hơi, ăn uống kiêng khem rất nhiều thứ và đặc biệt là sữa. Có cách nào điều trị dứt khỏi tình trạng này không thưa bác sĩ? Xin cảm ơn (Sana Nguyễn, 40 tuổi, Hà Nội)
- BS Trần Ngọc Lưu Phương:
Bệnh viêm dạ dày do vi khuẩn HP rất dễ tái phát và triệu chứng đầy hơi, khó chịu thường vẫn còn tồn tại một thời gian, mặc dù đã diệt trừ được vi khuẩn HP.
Trường hợp này bạn cần:
- Điều trị tình trạng viêm dạ dày kéo dài, sau khi đã điều trị diệt trừ thành công vi khuẩn HP
- Hạn chế một số loại thức ăn nhạy cảm với cơ thể như: chất béo, đồ chua, cay, rượu, bia, nhất là các thuốc giảm đau

- Tôi 29 tuổi, có một con gái và hiện là nhân viên kinh doanh. Trước đây tôi thường ăn uống không ngon, đặc biệt khi ăn những món cay thì cảm giác nóng rát, và đầy hơi rất khó chịu. Tôi có uống Gaviscon thì thấy thuyên giảm nhưng không biết thuốc này có tác dụng điều trị ra làm sao và sử dụng như thế nào là an toàn? (Hong Ngoc, Q.7)
- Bác sĩ Bùi Hữu Hoàng:
Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường liên quan đến chế độ ăn uống, do vậy nếu chúng ta ăn quá nhiều thức ăn chua cay sẽ dễ làm cho dạ dày bị kích ứng, nên thường gây ra triệu chứng đau và đầy hơi.
Loại thuốc mà bạn đã sử dụng có hoạt chất sodium alginate được cấu tạo từ hợp chất chứa H2CO3 và canxi. Khi gặp axit của dạ dày sẽ phản ứng tạo thành khí CO2 và hình thành một lớp màng ngăn vững chắc, nổi lên trên bề mặt của dịch dạ dày, ngăn chặn hiện tượng trào ngược các dịch axit trào lên thực quản và giúp bảo vệ niêm mạc thực quản. Nhờ vậy, thuốc có thể cải thiện được một số tình trạng nóng rát vùng giữa ngực hoặc cảm giác vướng nghẹn ở cổ. Thuốc chỉ có tác dụng thuần túy về mặt vật lý, không gây ảnh hưởng đến các thuốc khác khi sử dụng chung và không hấp thu vào cơ thể nên tương đối an toàn khi sử dụng.
- Em năm nay 40 tuổi, em bị chứng hơi thở hôi từ những năm 20 tuổi, gây khó chịu cho những người tiếp xúc và ngồi xung quanh mình. Em đã đi khám và điều trị nhiều nơi nhưng vẫn không hết. Vừa rồi em có đến khám tổng quát và khám tiêu hóa tại BVĐHYD, Bác sĩ chuẩn đoán bệnh là trào ngược dạ dày, uống thuốc 2 tuần và tái khám uống tiếp 4 tuần, nhưng bệnh vẫn chưa khỏi. Trước đây em cũng được một bác sĩ của ĐHYD chuẩn đoán là 'Hở tâm vị' và bệnh này thì không chữa được. Vậy Bác sĩ hướng dẫn giúp em là cách điều trị nếu cần thiết có thể phẩu thuật ở đâu? Cám ơn Bác sĩ! (Đặng Tuyền, 40 tuổi, Hà Nội)
- BS Trần Ngọc Lưu Phương:
Hơi thở có mùi hôi thường có rất nhiều nguyên nhân như: viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày, ung thư dạ dày, nhiễm vi khuẩn HP, xơ gan, viêm gan mãn, viêm xoang, viêm phổi, bệnh lý nha chu và sâu răng...
Tôi chưa rõ bạn đã tầm soát những nguyên nhân này hay chưa. Trước mắt, nếu bạn bị trào ngược dạ dày thực quản, thường triệu chứng sẽ là: ợ nóng, nóng rát sau xương ức và ợ chua, chứ ít khi gây ra triệu chứng hơi thở có mùi. Còn "hở tâm vị", tôi nghĩ là cách diễn đạt nôm na của bác sĩ cho bạn dễ hiểu.
Thông thường, tâm vị là vùng nối giữa thực quản và bao tử, luôn có một cơ vòng để đóng mở điều hòa trong lúc chúng ta ăn uống. Tôi nghĩ, nhiều khả năng bạn có thể bị chứng thoát vị hoành. Bệnh này là tình trạng cơ hoành bao quanh vùng tâm vị không chặt nên những chất trong dạ dày, thậm chí cả dạ dày có thể trào ngược lên trên.
Để chẩn đoán chính xác bệnh, bạn cần được nội soi dạ dày phối hợp chụp XQuang thực quản dạ dày ở tư thế đặc biệt (tư thế đầu thấp) để phát hiện được bệnh. Nếu bệnh nhẹ, bạn chỉ cần thay đổi lối sống và chế độ ăn, cùng với việc dùng thuốc là đạt yêu cầu, chỉ có trường hợp nặng mới cần phải phẫu thuật.
- Tôi nghe nói ăn sữa chua rất tốt cho sứa khỏe. Vậy chồng tôi bị đau bao tử có ăn được không? Ăn như thế nào là tốt nhất? Cảm ơn bác sĩ. (Hà Thị Lan, 34 tuổi, tân bình, tpHCM)
- Bác sĩ Bùi Hữu Hoàng:
Sữa chua là thành phần sữa đã lên men, cung cấp thêm các vi sinh có lợi cho sức khỏe, nên thường được sử dụng bổ sung để điều trị các chứng đầy hơi, khó tiêu liên quan đến thiếu men vi sinh đường ruột. Thành phần axit của sữa chua không đáng kể để gây kích ứng dạ dày, nên vẫn có thể sử dụng được cho người bị đau bao tử. Bạn cứ cho chồng dùng thử để xem có hiệu quả gì hay không.

- Xin chào bác sĩ,
Em tên Nguyễn Thị Tuyết, ở Nhà Bè TP.HCM.
Em bị đau dạ dày từ năm 2008, biểu hiện ban đầu là đau râm ran, ợ hơi. Em có đi nội soi tại BV Chợ Rẫy, kết quả nội sôi là bị nhiễm HP và viêm nhẹ hang vị. Sau điều trị tiệt trừ HP, kết quả nội soi kiểm tra lại thì HP âm tính, nhưng vẫn còn viêm nhẹ (nội soi 3 lần cách nhau khoản 6 tháng). Tuy nhiên triệu chứng đau, ợ hơi, đôi lúc ợ nóng có giảm nhưng khi ngừng thuốc khoản một tuần thì các triệu chứng trên lại lập lại, em cũng bị khó ngủ. Vì vậy em đã điều trị và uống thuốc liên tục nhiều năm.
Bác sĩ cho em hỏi, với hiện trạng của em thì có điều trị hết hẵn được không? Và điều trị ở đâu?
Cám ơn bác sĩ. (Nguyễn Thị Tuyết, 38 tuổi, TP HCM)
- BS Trần Ngọc Lưu Phương:
Chào bạn!
Trường hợp của bạn, tôi nghĩ là bạn bị viêm dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP kèm bệnh trào ngược dạ dày thực quản nhưng không viêm thực quản. Do đó, sau khi bạn điều trị tiêu diệt vi khuẩn HP, các triệu chứng có giảm nhưng khi bạn ngưng thuốc một thời gian thì triệu chứng ợ hơi và ợ nóng lặp lại vì diệt vi khuẩn HP không làm cải thiện tình trạng trào ngược mà chỉ cải thiện tình trạng viêm dạ dày. Bạn cần được điều trị duy trì lâu dài với các thuốc ức chế bơm proton để kiểm soát tình trạng tăng axit nhằm hạn chế triệu chứng tái phát. Ngoài ra, bạn không nên quá lo lắng gây mất ngủ sẽ làm tái phát viêm dạ dày, mặc dù vi khuẩn HP không còn nữa.
- Tôi bị chứng chậm tiêu 14 năm mặc dù thăm khám ở nhiều bệnh viện với các xét nghiệm như siêu âm nội soi sinh thiết theo định kỳ mà vẫn không chẩn đoán ra bệnh gì?. Xin được sự giúp đỡ tư vấn! (Tiếp Nguyễn, 50 tuổi, Hà Nội)
- BS Trần Ngọc Lưu Phương:
Chứng đầy hơi khó tiêu của bạn có thể do những nguyên nhân sau đây:
- Viêm dạ dày mãn
- Teo niêm mạc dạ dày
- Nhiễm viêm gan siêu vi B, siêu vi C mãn
- Sỏi mật
- Chứng rối loạn tiêu hóa chức năng
Theo như bạn kể, nhiều khả năng tôi nghĩ bạn không bị chứng sỏi mật và viêm loét dạ dày. Nhưng những trường hợp còn lại, thì tôi chưa chắc chắn. Nếu có điều kiện, bạn nên đi nội soi kiểm tra lại để đánh giá tình trạng teo niêm mạc dạ dày (bạn có thể tham khảo thêm bài viết của tôi về bệnh teo niêm mạc dạ dày trên báo Tuổi Trẻ) và xét nghiệm tầm soát viêm gan. Nếu loại trừ những trường hợp đó thì có khả năng bạn bị chứng rối loạn tiêu hóa chức năng. Điều trị trường hợp này tương đối tế nhị, đòi hỏi sự kiên nhẫn của bệnh nhân lẫn bác sĩ, phải phối hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt, thuốc men. Tuy nhiên, dù triệu chứng có cải thiện thì bệnh vẫn có thể tái lại sau một thời gian.
- Tôi bị bệnh GERD khoảng một năm nay, khoảng sáu tháng đầu tôi bị viêm họng nên đến bệnh viện TMH để điều trị, nhưng sau ba tháng bệnh tình tôi vẫn không thuyên giảm, cổ họng tôi lúc nào cũng bị đau, nuốt đau, vướng, tôi ngưng uống thuốc một tháng thì tôi lại bị viêm amidan, bác sĩ khoa TMH khuyên tôi cắt Amidan, sau khi cắt, họng tôi vẩn bị đau. Bác Sĩ TMH khuyên tôi đi khám tiêu hóa.
Bác sĩ khoa tiêu hóa ở bệnh viện Hoàn Mỹ chuẩn đoán tôi bị bệnh GERD. Tôi đã uống thuốc tiêu hóa đã hơn nữa năm nay, bệnh tình có bớt đi, nhưng hiện nay cổ họng tôi vẩn còn đau, vướng khi nuốt. Tôi rất tuân thủ theo lời dặn của bác sĩ, ăn uống kiệng cử, không thức khuya, nằm gối cao… Hiện nay, tôi rất lo lắng vì bệnh tình của tôi ảnh hưởng rất nhiều về cuộc sống sinh hoạt gia đình, tôi thường xuyên cáu cắt với vợ, con, ảnh hưởng đến công việc vì phải nghỉ làm thường xuyên để đi khám chữa bệnh, chi phí khám chữa bệnh một phần ảnh hưởng đến kinh tế cho gia đình. Lo lắng lớn nhất của tôi hiện nay là sợ bệnh trở nên biến chứng khác…
Xin bác sĩ tư vấn cho tôi làm cách nào để chữa lành bệnh GERD này để tôi có một cuộc sống tốt hơn, tôi có cần tầm soát ung thư không. Xin cam ơn bác sĩ. (Nguyễn Bảo Quốc, 59/8D Phạm Văn Chiêu, Gò Vấp. HCM)
- Bác sĩ Bùi Hữu Hoàng:
Câu hỏi của Quốc khá hay!
Từ GERD là từ viết tắt của tiếng Anh Gastro-esophageal Reflux disease mà các bác sĩ thường hay sử dụng để chẩn đoán những bệnh nhân có bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài biểu hiện tại thực quản, đôi khi bệnh nhân còn có những triệu chứng của các phần khác như đường hô hấp trên (hen suyễn, ho khan kéo dài), viêm hầu họng mãn tính, viêm tai, thậm chí có người bị đau tức ngực giống như chứng đau tim do bệnh mạch vành. Do vậy, lúc đầu, nhiều bệnh nhân đi khám không đúng chuyên khoa nên bệnh tình không thuyên giảm mà có khi nặng thêm như trường hợp của Quốc.
Bệnh trào ngược này rất dễ bị tái phát, liên quan nhiều yếu tố chẳng hạn như thừa cân, béo phì, hút thuốc lá nhiều, sử dụng cà phê hoặc đôi khi liên quan đến tình trạng căng thẳng (stress), do vậy, bệnh nhân thường bị đi bị lại. Nếu không được chữa trị tốt, bệnh có thể gây một số biến chứng tại thực quản như viêm loét, xuất huyết, ung thư thực quản. Việc điều trị cho các trường hợp kéo dài hoặc tái phát là phải kết hợp nhiều phương thuốc khác nhau như thuốc giảm tiết axit, thuốc bảo vệ niêm mạc thực quản, thuốc điều chỉnh vận động thực quản trong một thời gian dài, ít nhất 2-4 tháng. Bạn cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa về cách điều chỉnh lối sống, ăn uống, sinh hoạt để hạn chế tối đa khả năng tái phát. Tùy theo biểu hiện thực tế mà bác sĩ sẽ có chỉ định nội soi đường tiêu hóa trên để tầm soát các biến chứng của bệnh.

- Xin chào bác sĩ, em tên Phước sống ở Bình Dương, làm việc văn phòng. Do đặc thù công việc nên em phải tiếp khách và uống rượu bia nhiều, có lúc uống 2-3 ngày liên tục thì em bị triệu chứng ợ chua, ăn hay uống nước vào đều nghe nóng rát vùng cuống bao tử. Mỗi lần như vậy em uống thuốc gói dạng sữa thì khỏi. Bác sĩ cho em hỏi em bị vậy có nguy hiểm không, cần phải đi khám chuyên khoa không, xin cám ơn (Hữu Quốc, 34 tuổi, Hà Nội)
- BS Trần Ngọc Lưu Phương:
Qua triệu chứng bạn kể, tôi nghĩ nhiều khả năng bạn bị bệnh viêm loét dạ dày. Bạn cần đi nội soi dạ dày để chẩn đoán bệnh chính xác và có chế độ điều trị thích hợp.
Trước mắt, bạn nên hạn chế uống rượu bia vì một khi bạn đã bị viêm loét dạ dày mà chưa được điều trị thích hợp mà còn tiếp tục uống rượu bia thì có nguy cơ xuất huyết tiêu hóa rất cao với biểu hiện là ói ra máu hoặc đi cầu ra phân đen.
- Thưa bác sĩ, em thường hay đi tiếp khách nên có dùng bia rượu nhiều, mỗi lần uống bia rượu xong ra khỏi quán gặp trời lạnh là bị nôn ngay, và lúc đó bụng thấy rất xót và cào ruột, buổi sáng ăn vào là bị tiêu chảy. Bác sĩ cho em hỏi đó là triệu chứng của bệnh gì? (NGUYỄN VĂN OÁNH, 31 tuổi, Buôn Ma Thuột)
- Bác sĩ Bùi Hữu Hoàng:
Rượu bia là thức uống thường gây rối loạn không những ở đường tiêu hóa trên (nóng rát thượng vị, buồn nôn, khó tiêu...) mà còn cả ở đường tiêu hóa dưới (trướng hơi, tiêu chảy). Do vậy, các triệu chứng mà bạn vừa mô tả hoàn toàn là do tác động của rượu bia trên đường tiêu hóa. Bạn cần hạn chế và điều chỉnh lại cách ăn uống để hạn chế các rối loạn nêu trên. Thông thường chúng ta có thể sử dụng thêm một số thuốc trung hòa axit kết hợp các men vi sinh như sữa chua để điều chỉnh các rối loạn nêu trên.
- Xin chào bác sĩ.
Năm 2013 tôi bị viên loét hành tá tràng, điều trị một thời gian thì không thấy còn đau bụng nữa nhưng vẫn hay bị đầy hơi; còn chứng khó tiêu thi tôi bị thường xuyên. Xin hỏi có phương pháp nào điều trị dứt điểm chứng đầy hơi khó tiêu không ạ? Xin cảm ơn. (Duyên, 31 tuổi, Hà Nội)
- Bác sĩ Bùi Hữu Hoàng:
Chào Duyên!
Rất nhiều trường hợp sau giai đoạn viêm loét cấp tính, triệu chứng được thuyên giảm nhờ điều trị nhưng sau đó thường hay bị chứng khó tiêu, đầy hơi. Đây là một rối loạn rất thường xảy ra, tùy theo triệu chứng sẽ có những thuốc phù hợp. Nếu như bạn vẫn còn đau thượng vị, nhất là sau khi ăn, cần phải sử dụng các thuốc giảm tiết axit. Còn trường hợp chỉ bị đầy hơi, mau no, buồn nôn mà không đau rõ ràng, có thể giải quyết bằng các thuốc điều chỉnh vận động dạ dày. Gần 50% các chứng khó tiêu có liên quan đến nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, do vậy cần đến các trung tâm y tế để xét nghiệm xem có nhiễm vi khuẩn hay không để điều trị dứt điểm thì bệnh mới thuyên giảm.

- Kính gửi bác sĩ và ban tổ chức
Em là Lê Tuấn Anh 28 tuổi ở Hà nội
Em mỗi sáng thức dậy đều bị nôn và trào ngược, và mỗi khi có việc quan trọng suy nghĩ cũng hay bị như vậy. Đi khám bệnh viện kết luận trào ngược vậy mong bác sĩ cho biết cách phòng giảm hiện tượng trên. Xin hỏi bác sĩ nếu để lâu có dẫn tới nguy hiểm nào. Xin bác sĩ bày cách để trong sinh hoạt hàng ngày làm giảm được hiện tượng trên. Xin cảm ơn bác sĩ và chương trình (Lê Tuấn Anh, 28 tuổi, Hà Nội)
- BS Trần Ngọc Lưu Phương:
Tôi không rõ bạn đi khám bệnh viện có được nội soi dạ dày và làm xét nghiệm gì khác hay chưa.
- Nếu kết quả nội soi dạ dày của bạn không bị viêm loét thì nhiều khả năng bạn bị chứng rối loạn tiêu hóa do stress. Đây có thể là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng bạn bị nôn, trào ngược mỗi khi có việc quan trọng phải suy nghĩ.
- Nếu kết quả nội soi của bạn bị viêm loét dạ dày thì bạn cần phải biết kết quả tìm vi trùng HP trong dạ dày của bạn dương tính hay âm tính.
- Với triệu chứng buồn nôn, ợ ngược mỗi sáng của bạn, tôi nghĩ bạn ít có khả năng bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản, trừ khi kết quả nội soi có hiện tượng viêm thực quản trào ngược.
Bạn nên:
- Ngủ sớm
- Tập thể dục mỗi sáng
- Đừng quá lo lắng về tình trạng bệnh của mình, nếu bạn đã được nội soi, xét nghiệm đầy đủ vì bệnh này không nguy hiểm gì cho bạn.
- Hạn chế thức ăn kích thích như: cà phê, trà đậm, rượu, bia, gia vị cay nóng.
- Ăn uống đúng giờ, hạn chế ăn tối quá no.
- Tôi thường hay ợ hơi sau khi ăn no... và cũng có lúc thấy vùng ức hay bị như hơi nứt tại đó... đi soi dạ dày và thực quản bác sĩ nội soi nói dạ dày bình thường, thực quản có một cái hố nhỏ. Như vậy là thế nào? Xin bác sĩ tư vấn, để phòng ngừa. (Đào Hoàng Kiền, 66 tuổi, Gò Vấp)
- Bác sĩ Bùi Hữu Hoàng:
Tình trạng thoát vị khe hoành là nguyên nhân hiếm gặp, nhưng vẫn có thể xảy ra ở một số bệnh nhân. Do một phần trên của dạ dày bị đẩy lên khỏi cơ hoành, làm cho cơ thắt thực quản (chỗ nối giữa thực quản và dạ dày) bị hở, nên các thức ăn từ dạ dày thường dễ bị trào lên thực quản, gây ra triệu chứng nóng rát vùng sau xương ức như trường hợp của bạn. Bệnh này được phát hiện khi nội soi hoặc chụp X-quang thực quản dạ dày. Nếu triệu chứng ợ hơi, ợ chua, nóng rát vùng xương ức xảy ra thường xuyên, bắt buộc bạn phải sử dụng các thuốc giảm tiết axite mạnh kết hợp với sodium alginate để tạo màng ngăn bảo vệ chống trào ngược. Trong trường hợp khe thoát vị lớn và điều trị nội khoa không kết quả, có thể cần đến phẫu thuật để điều trị triệt để.
- Tôi vào buổi sáng hay bị ợ hơi, không muốn ăn sáng.
- Buổi sáng bụng đau quặn (ngày nào cũng thế)
- Hàng ngày tôi ăn uống kém, da xạm, không tăng cân.
Xin bác sĩ tư vấn tôi nên làm thế nào để cải thiện tình trạng trên. (Lương Thị Dương, 34 tuổi, Hà Nội)
- BS Trần Ngọc Lưu Phương:
Với những triệu chứng bạn kể thì tôi nghĩ bạn có những vấn đề sau đây:
- Viêm loét dạ dày
- Viêm đại tràng co thắt hoặc lao ruột
- Bệnh lý về nội tiết hoặc viêm gan mãn
Trường hợp của bạn cần đi khám bệnh để được bác sĩ thăm khám cụ thể, cho làm xét nghiệm máu, siêu âm bụng, nội soi đường tiêu hóa để có chẩn đoán chính xác nhất. Nếu tất cả các thăm khám và xét nghiệm đều bình thường thì có thể bạn bị mắc bệnh "rối loạn dạng cơ thể". Đây là tình trạng rối loạn chức năng của hệ thần kinh thực vật, gây ảnh hưởng lên nhiều cơ quan, nhất là hệ tiêu hóa và hệ tim mạch nhưng bệnh này hoàn toàn lành tính, không gây nguy hiểm.
- Thưa bác sĩ, gần đây sau khi ăn thỉnh thoảng tôi đầy bụng, khó tiêu, sau khi đi cầu thì hết hoặc uống men tiêu hóa sống thì bớt. Vậy xin hỏi bác sĩ bệnh của tôi là gì, cần uống thuốc gì để điều trị? (Trần Đăng, 52 tuổi, Quận Bình Thạnh)
- Bác sĩ Bùi Hữu Hoàng:
Triệu chứng đầy bụng, khó tiêu sau đi cầu thì hết thường liên quan đến hội chứng ruột kích thích. Đây là tình trạng rối loạn tiêu hóa dưới, có thể do nhiều nguyên nhân như tình trạng stress căng thẳng, không hợp với một số thức ăn như sữa, dầu mỡ, trái cây hoặc liên quan đến tình trạng thiếu các men vi sinh đường ruột. Do vậy, khi bổ sung các vi sinh có lợi như lactobacillus, sacharomices... sẽ làm giảm triệu chứng. Một số trường hợp uống rượu bia nhiều hoặc sau khi sử dụng kháng sinh cũng có thể gây ra tình trạng này. Tùy từng trường hợp mà các thầy thuốc sẽ có những cách điều trị thích hợp.
- Em bị buồn nôn đã 4 năm, buồn nôn lúc đói và đi ngoài đường lúc trời lạnh cũng bị. Cách đây 3 năm em có đi nội soi, bác sĩ bảo em bị viêm hang vị và cho thuốc uống nhưng không khỏi. Gần đây em có test hơi thở nhưng không phát hiện vi khuẩn H.pylory. Hiện tại em vẫn bị buồn nôn
Em nhờ Bác sĩ tư vấn giúp em
Cảm ơn Bác sĩ nhiều (Nguyễn Ly, 34 tuổi, Hà Nội)
- BS Trần Ngọc Lưu Phương:
Trường hợp của em không bị nhiễm vi khuẩn HP và dạ dày bị viêm nhẹ nên em không nên để bụng quá đói hoặc ăn nhiều chất kích thích như: chua, cay, cà phê, rượu, bia... thì tình trạng buồn nôn của em sẽ cải thiện.
Riêng tình trạng buồn nôn lúc trời lạnh thường không liên quan đến viêm dạ dày mà thường là do tình trạng mẫn cảm với thời tiết giống như những người bị hen suyễn. Em nên xem lại trong gia đình của mình có ai dễ bị dị ứng hay hen suyễn không.
Trước mắt, với tình trạng mẫn cảm với thời tiết như vậy thì em nên giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ, gáy khi trời lạnh.

- Tôi đã đi khám, nội soi bác sĩ kết luận viêm dạ dày và trào ngược. Bác sĩ kê đơn thuốc, uống có giảm nhưng gần đây bị tái phát lại. Nhất là trào ngược, có cảm giác thức ăn chặn ở cổ họng, ợ nóng, đã cắt mật. Mong bác sĩ tư vấn giúp, có thuốc nào hỗ trợ đối với người cắt mật không ạ. Trân trọng cảm ơn! (Thu, 41 tuổi)
- Bác sĩ Bùi Hữu Hoàng:
Chào bạn!
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản rất thường hay tái phát vì việc điều trị không chỉ sử dụng thuốc mà còn phải kết hợp các biên pháp điều chỉnh lối sống, sinh hoạt và chế độ ăn uống, chẳng hạn như phải giảm cân, bỏ thuốc lá, rượu bia, hạn chế các thức ăn chua cay, nhiều gia vị gây kích thích đường tiêu hóa. Một số trường hợp bệnhh trào ngược còn liên quan đến tình trạng dịch mật từ tá tràng trào lên dạ dày, rồi đi lên thực quản, gây ra viêm trào ngược, không đáp ứng với các thuốc giảm tiết axit. Trong những trường hợp đó, chúng ta cần kết hợp các thuốc băng tráng niêm mạc dạ dày và các thuốc điều chỉnh co bóp, nhu động dạ dày sẽ làm giảm triệu chứng. Việc cắt túi mật không ảnh hưởng đến bệnh trào ngược. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu bệnh nhân thường hay bị đầy bụng, khó tiêu khi ăn thức ăn dầu mỡ. Do vậy, bạn cần hạn chế bớt các thức ăn nhiều chất béo. Một thời gian sau, cơ thể sẽ thích nghi dần và triệu chứng sẽ giảm.
- Tôi có các triệu chứng mắc nghẹn ở cổ họng, thỉnh thoảng gây ho, đã có lần tôi ợ lên dịch đắng đắng. Sau khi thăm khám thì xác định là bị viêm họng mãn tính. Tôi đã uống thuốc theo bác sĩ kê đơn thì không thấy khỏi.
Sau 2 tháng tôi lại thấy đau thêm vùng thượng vị. Tôi đi nội soi dạ dày thì được xác định kết quả là viêm trào ngược dịch mật. Bác sĩ đã nói nguyên nhân gây ra viêm họng có thể do dịch mật bị trào ngược lên. Sau khi điều trị bằng thuốc tây bác sĩ kê đơn gồm: Gasgood 40, Gasmotin 5mg và Sucrate Gel
Sau 2 tuần điều trị tôi chỉ thấy hết đau thượng vị, tái khám lại bác sĩ dặn uống thuốc thêm 2 tuần nữa. Tôi đã uống thuốc theo chỉ định nhưng chứng mắc ngẹn ở cổ họng và ho vẫn không giảm.
Xin hỏi bác sĩ cách điều trị chứng trào ngược dịch mật thật hiệu quả để tôi không bị mắc nghẹn, khó nuốt và ho như hiện nay.
Xin chân thành cám ơn bác sĩ (Nguyễn Thị Kim Tuyến, 25 tuổi, Hà Nội)
- BS Trần Ngọc Lưu Phương:
Triệu chứng của bạn là triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản và có ảnh hưởng ngoài hệ tiêu hóa (viêm họng mãn) kèm theo viêm dạ dày.
Với những loại thuốc mà bạn đã được dùng thì tình trạng viêm dạ dày sẽ cải thiện và tình trạng trào ngược cũng sẽ cải thiện một phần. Ngoài việc dùng thuốc, bạn cần phải thay đổi lối sống và chế độ ăn uống như sau:
- Hạn chế thức ăn béo và chiên xào, gia vị cay nóng
- Không ăn quá no
- Không ăn tối quá trễ
- Hạn chế uống cà phê, rượu, bia
- Nên ngủ gối đầu cao
Bạn có thể dùng thêm thuốc có hoạt chất Sodium Alginate có tác dụng tạo thành màng ngăn hạn chế dịch mật, dịch dạ dày trào ngược lên trên thì cũng có thể giúp bạn cải thiện triệu chứng.
Nếu sau một thời gian phối hợp thuốc như vậy (khoảng 4 tuần) mà tình trạng không cải thiện được rõ rệt, bạn nên đi khám lại ở bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được nội soi kiểm tra lại xem bạn có bị chứng rối loạn co thắt thực quản (để chẩn đoán được bệnh này đòi hỏi bác sĩ nội soi phải có nhiều kinh nghiệm) đồng thời cho chụp thêm XQ phổi và xét nghiệm đờm để loại trừ các bệnh lý về đường hô hấp có thể gây triệu chứng tương tự.
- Chào bác sĩ, vợ tôi (27 tuổi) từ khi có bầu mấy tháng đầu nghén nặng nhưng hết nghén lại bị ợ nóng suốt không đỡ khiến cho việc ăn uống ít đi và không đỡ. Mong bác sĩ tư vấn để tôi có thể hiểu nguyên nhân và cách điều trị của triệu chứng này? (Đinh Văn Thiện, 30 tuổi, Nam Định)
- Bác sĩ Bùi Hữu Hoàng:
Tình trạng ốm nghén rất thường xảy ra trong 3 tháng đầu của thai kỳ, làm cho các thai phụ rất khó chịu và rất lo lắng khi phải sử dụng thuốc. Mặt khác, chứng trào ngược dạ dày thực quản cũng hay gặp ở phụ nữ có thai, liên quan đến thay đổi về nội tiết tố và tình trạng tăng áp lực ổ bụng khi thai lớn lên. Nếu bị ợ nóng thường xuyên, có thể sử dụng sodium alginate đã được chứng minh là an toàn cho phụ nữ có thai vì chỉ tác dụng tại chỗ, tạo lớp màng ngăn, bảo vệ chống trào ngược. Bên cạnh đó, có thể kết hợp một số thuốc điều chỉnh vận động đường tiêu hóa. Tuy nhiên, chúng ta không nên lạm dụng và cần có sự chỉ định của bác sĩ và chỉ sử dụng khi thật cần thiết.

- Chào bác sĩ. Lúc đầu cháu bị nhiễm HP cháu rất là lo sợ. Bác sĩ cho cháu hỏi, vi khuẩn HP có lây qua đường máu và đường quan hệ tình dục không? Cháu xin cảm ơn! (Hoàng Văn Tỉnh, 25 tuổi, Thanh Hóa)
- Bác sĩ Bùi Hữu Hoàng:
Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) chỉ xảy ra từ đường tiêu hóa mà không lây qua đường máu và đường quan hệ tình dục. Các biện pháp phòng ngừa là đảm bảo vệ sinh ăn uống, rửa tay sạch trước khi ăn, không sử dụng chung các vật dụng cá nhân có khả năng lây trực tiếp như muỗng, đũa, bàn chải đánh răng...
- Kính gửi các các sỹ!
Các bác cho em hỏi. Em bị ho khan khoảng 10 năm nay. Khi đi khám thường được chỉ định chụp phim tim phổi. Kết quả các bác sỹ thường kết luận viêm phế quản mãn tính nhưng chưa mãi không khỏi. Mãi đến năm đầu năm vừa rồi các bác sỹ mới tìm ra nguyên nhân em bị hội chứng GERD. Tôi đã uống thuốc tây được một tháng và thấy bớt ho. Nhưng thỉnh thoảng vẫn hay bị ho khan lại. Có cách nào chữa dứt điểm được hội chứng này không? Để lâu như em có bị biến chững gì không ạ? (Nguyễn Hạnh, 34 tuổi, Hà Nội)
- BS Trần Ngọc Lưu Phương:
Trường hợp của bạn là một trong những trường hợp bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản mà không có triệu chứng ở đường tiêu hóa nên bạn phải mất một thời gian mới tìm ra bệnh.
Điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản mà không có biểu hiện ở đường tiêu hóa thường đáp ứng kém hơn đối với những trường hợp có biểu hiện ở đường tiêu hóa. Việc điều trị tấn công thường kéo dài khoảng 3 tháng, sau đó sẽ điều trị duy trì từ 6 tháng đến một năm để hạn chế tái phát.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có đặc điểm dễ tái phát, nhất là do chế độ ăn uống, sinh hoạt không phù hợp. Nếu sau một thời gian ngưng thuốc, triệu chứng xuất hiện trở lại thì bạn có thể dùng thuốc để cắt triệu chứng. Bệnh không nguy hiểm, rất hiếm khi xảy ra biến chứng ở người châu Á, trong đó có Việt Nam.
- Chị tôi 45 tuổi, cách đây 2 năm bị loét dạ dày điều trị bằng cả thuốc Tây, Đông y, bệnh ổn định. Gần đây đau tái phát, đi khám chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Xin hỏi bệnh ung thư có mầm mống trước đó nhiều năm hay do loét sau đó thành ung thư? (Mỹ Lệ, 41 tuổi, Hanoi)
- Bác sĩ Bùi Hữu Hoàng:
Ung thư dạ dày đã được xác định có liên quan đến tình trạng nhiễm vi khuẩn HP. Do vậy, một số trường hợp viêm loét dạ dày do nhiễm HP không được phát hiện và điều trị đúng cách, có thể dẫn đến ung thư. Vì thế khi bị đau dạ dày kéo dài, chúng ta phải đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm nội soi và tìm vi khuẩn HP để chữa tận gốc. Nhiều trường hợp điều trị không đúng cách hoặc vi khuẩn kháng thuốc sẽ làm cho bệnh kéo dài, gây nhiều biến chứng. Tuy nhiên, không phải tất cả những người nhiễm vi khuẩn HP đều tiến triển sang ung thư, mà còn tùy thuộc vào chế độ ăn uống (ăn thức ăn nhiều muối, hung khói...) và cơ địa di truyền của từng bệnh nhân. Chính vì vậy, nếu trong gia đình đã có người bị ung thư dạ dày thì các thành viên khác trong gia đình cũng nên lưu ý để kiểm tra phát hiện vi khuẩn HP.
- Tôi năm nay 36 tuổi và đã sinh 2 cháu. Tôi làm việc tại văn phòng, hàng ngày luyện tập thể thao 45-60 phút. Từ gần 6 năm nay tôi bị chứng ợ chua, khó tiêu, chướng bụng, không hay có cảm giác đói. Tôi đã đi nội soi dạ dày nhưng kết quả nội soi: dạ dày bình thường, không có vết viêm loét. Sau đó bác sĩ kết luận: do ức chế tiết dịch vị dạ dày và kê thuốc uống. Nhưng sau đó tình hình bệnh không chấm dứt mà vẫn dai dẳng nên chất lượng cuộc sống không đảm bảo. Vậy kính mong bác sĩ chuẩn đoán giúp bệnh và chỉ cho tôi cách chữa dứt điểm bệnh này. (Com Tếch, 34 tuổi, Hà Nội)
- BS Trần Ngọc Lưu Phương:
Bạn có lối sống khá lành mạnh. Với triệu chứng và kết quả nội soi của bạn, tôi dự đoán bạn bị mắc bệnh rối loạn tiêu hóa chức năng do rối loạn co bóp của dạ dày. Tuy nhiên, bạn cần làm thêm một số xét nghiệm như: siêu âm bụng, tầm soát viêm gan siêu vi, kiểm tra vi khuẩn HP trong dạ dày. Nếu sau khi kiểm tra đầy đủ mà các kết quả vẫn bình thường thì việc điều trị thuốc chỉ là hỗ trợ, còn chế độ ăn uống mang tính quyết định nhất. Bạn cần hạn chế thức ăn chiên xào, đồ béo, nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày ra nhiều lần.

- Tôi là doanh nhân nên áp lực công việc rất căng thẳng, nên thường xuyên bỏ bữa ăn trưa và hay ăn nhiều vào buổi tối do phải đi tiếp khách. Những lúc ăn xong tôi cảm giác thức ăn không tiêu, cứ nằm chắn ngang ở ngực gây cảm giác tức ngực rất khó chịu. Gần đây tôi có cảm giác miệng mình có mùi hôi dù không hút thuốc, thậm chí khi tôi không ăn gì miệng vẫn hôi. Xin hỏi tôi đang mắc phải chứng bệnh gì? (Ba Luan, Ha Noi)
- Bác sĩ Bùi Hữu Hoàng:
Cuộc sống hiện đại tạo nhiều áp lực và thay đổi cách ăn uống, sinh hoạt sẽ dễ làm phát sinh các bệnh đường tiêu hóa. Biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa các rối loạn tiêu hóa là phải tự điều chỉnh lối sống và cách ăn uống cho phù hợp. Việc sử dụng thuốc chỉ để cải thiện nhanh chóng triệu chứng và giúp hồi phục các thương tổn tại đường tiêu hóa, nhưng không nên lạm dụng mà phải được sự tư vấn và hướng dẫn của thầy thuốc.
Chứng hôi miệng mà bạn đề cập có thể do rất nhiều nguyên nhân như bệnh trào ngược dạ dày thực quản, nhiễm vi khuẩn HP hoặc do một số vi khuẩn kỵ khí thường phát triển ở vùng răng miệng. Do vậy, bạn cần đi khám để phát hiện bệnh trào ngược tình trạng nhiễm vi khuẩn để có cách điều trị phù hợp.
- Chào bác sĩ, em năm nay 28 tuổi, là nhân viên văn phòng, hiện đang mang thai con đầu lòng được 24 tuần. Em thường bị khó tiêu mỗi khi dùng bữa chính, thậm chí đôi khi còn bị ợ nóng, cảm giác như thức ăn dội ngược lên làm cho cổ họng thấy có vị đắng. Bác sĩ có thể giải thích về tình trạng bệnh cho em được không? Như trường hợp của em thì nên sử dụng thuốc gì mà không ảnh hưởng đến thai nhi, em rất sợ phải dùng thuốc vì sợ ảnh hưởng đến em bé. Mong bác sĩ cho em lời khuyên. (Trần Lan Phương, 28 tuổi, Nam Định)
- BS Trần Ngọc Lưu Phương:
Trường hợp của bạn là tình trạng bị trào ngược dạ dày thực quản khi mang thai (nếu như trước khi mang thai, bạn ăn uống và sinh hoạt bình thường, không có gì khó chịu). Tình trạng này khá thường gặp ở phụ nữ có thai, do tăng áp lực trong bụng và một số biến đổi về nội tiết tố trong quá trình mang thai làm thay đổi co bóp của thực quản và dạ dày.
Như vậy, để hạn chế khó chịu, bạn nên áp dụng những cách sau đây:
- Chia nhỏ bữa ăn
- Hạn chế thức ăn béo, cay nóng
- Hạn chế động tác cúi gập người quá mức
- Ngủ gối đầu cao
- Có thể dùng các thuốc gói dạng sữa giúp trung hòa axit và ngăn hiện tượng trào ngược (trung bình một ngày 3 gói) cũng giúp cải thiện triệu chứng mà ít ảnh hưởng đến thai nhi. Nếu sau một tuần mà không cải thiện thì bạn nên đi khám ở chuyên khoa tiêu hóa để được tư vấn chính xác hơn.
- Em bị chứng trào ngược thực quản mấy tháng nay, miệng chua không ăn được. Đã uống thuốc nhưng không bớt bao nhiêu. Dùng thực phẩm chức năng thì có giúp cải thiện không? (Lê Thị Oanh, 27 tuổi, Phan Thiết)
- Bác sĩ Bùi Hữu Hoàng:
Chào Oanh!
Việc điều trị đôi khi không đạt được kết quả, cần phải xem lại là bạn đã sử dụng đầy đủ thuốc hay chưa vì tâm lý bệnh nhân chỉ uống thuốc khi đau, khi bớt đau thì tự ý ngưng thuốc. Mặt khác, có khi việc chẩn đoán chưa được chính xác hoặc cách phối hợp thuốc chưa phù hợp nên bệnh thường xuyên tái phát hoặc không khỏi, bạn cần đến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được đánh giá lại triệu chứng và điều chỉnh lại cách điều trị cho phù hợp. Các thực phẩm chức năng cho đến nay chưa có các bằng chứng khoa học rõ ràng trong việc chữa trị bệnh trào ngược và còn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi bệnh nhân. Do vậy, bạn nên cân nhắc và cần có sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng các loại thuốc này.
- Chào các bác sĩ và những người thực hiện chương trình,
Em tên Thạnh, năm nay 26 tuổi. Em xin hỏi các bác sĩ một số câu hỏi như sau:
- Em mới khám nội soi dạ dày, tá tràng. Kết quả VIÊM TRỢT, SUNG HUYẾT HANG MÔN VỊ, KHÔNG CÓ VI TRÙNG. Hiện em mới uống thuốc do bác sĩ điều trị kê. Em có thể uống thêm nghệ mật ong được không ạ? nếu được thì uống như thế nào?
- Em hơi gầy (thật ra là "ốm quá" như nhiều người vẫn chê). em ăn được nhưng lại không thấy lên kg. có phải do hệ tiêu hóa có vấn đề không ạ? vậy thì cần phải làm những xét nghiệm gì thưa bác sĩ? em có nên tập thể thao trong trường hợp của mình không ạ?
Chúc các bác sĩ và các anh chị có một ngày làm việc vui vẻ (Trần Minh Thạnh, 26 tuổi)
- BS Trần Ngọc Lưu Phương:
Trường hợp của bạn, nếu khi dùng thuốc do bác sĩ kê toa mà đã cải thiện triệu chứng thì không cần phải dùng thêm nghệ, mật ong. Tuy nhiên, việc dùng thêm nghệ, mật ong cũng có tác dụng hỗ trợ làm lành viêm loét dạ dày. Nhưng bạn cần lưu ý việc dùng nghệ, mật ong nên cách xa các thuốc Tây y là 2 tiếng đồng hồ để tránh tác động qua lại giữa các loại thuốc.
Bạn có thể thử tính chỉ số BMI của mình theo công thức sau: cân nặng (kg)/chiều cao bình phương (tính bằng met). Nếu kết quả >=19 thì bạn không bị gầy.
Tập thể dục thể thao tốt cho sức khỏe nhưng với bệnh viêm loét dạ dày thì không nên tập thể thao quá nặng vì đó là một tình trạng stress làm cho viêm loét dạ dày khó lành.
- Em năm nay 25 tuổi mang thai 16 tuần, hiện là nhân viên văn phòng, gần đây em cảm giác như có cục đàm lớn cứ lâng lâng ở cổ, càng lúc em càng thấy khó chịu, cứ nghèn nghẹn ở cổ gây khó thở, và ko nuốt được. Em có đi khám và được bác sĩ kê đơn cho sử dụng thuốc Gaviscon. Cho em hỏi là sử dụng thuốc này có tác dụng phụ gì không và có ảnh hưởng gì đến thai nhi hay không.? (Nguyễn Thị Phương, 25 tuổi, Thanh Hóa)
- BS Trần Ngọc Lưu Phương:
Thuốc bạn đang sử dụng không ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và thai nhi và được FDA (Cục Quản lý Dược Mỹ) xếp vào nhóm thuốc có thể sử dụng được cho phụ nữ trong thai kỳ.
Thuốc này hiếm khi gây tác dụng phụ, ngoại trừ một số trường hợp có thể bị dị ứng. Tốt nhất bạn nên tham khảo kỹ ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.
- Tôi bị trào ngược dạ dày được 1 tháng, uống Gaviscon được 1 tuần thì thấy có giảm các triệu chứng khó tiêu ợ nóng. Tôi thấy Gaviscon có tác dụng giảm triệu chứng rõ rệt nhưng có điều trị dứt điểm được không? (Nguyễn Quốc Trung, 32 tuổi, tân bình, tpHCM)
- Bác sĩ Bùi Hữu Hoàng:
Việc điều trị bệnh trào ngược cần phải kết hợp rất nhiều biện pháp đơn thuần một loại thuốc không thể giải quyết dứt điểm. Có rất nhiều chọn lựa hoặc kết hợp thuốc để đạt được hiệu quả tối ưu. Điều đó cần dựa vào triệu chứng và thể bệnh của từng bệnh nhân. Loại thuốc trên là một thuốc thường được dùng phối hợp để giải quyết nhanh triệu chứng, tuy nhiên cần có sự tư vấn của thầy thuốc về cách sử dụng và thời gian.
- Xin cảm ơn báo VNEXPRESS và Bác sĩ Phương và Bác sĩ Hoàng cho tôi cơ hội để hiểu hơn về bệnh của mình.
Xin nói rõ hơn là tôi và đại gia đình nhà nội tôi điều bị ăn không tiêu. Cụ thể: Ăn uống cẩn thận, ăn chín uống sôi hay xay nhuyễn cũng điều bị. Tôi để ý cá nhân tôi nếu ăn đồ ăn có chất tanh như cá, hoặc uống 2 ly bia thì nhất định sẽ không tiêu 2-3 ngày sau đó. Bia thì có thể củ còn thức ăn thì không nhất thiết là cá mới bị, miễn sao vào bụng không chịu là bị ngay. Nên rất khó né món nào và món nào. Đi khám nhiều nơi chỉ có 1 kết luận rối loạn tiêu hóa. Xin hỏi bác sĩ là . đây có phải là di truyền không và có cách nào chữa triệt để không. Vì mình để ý đến con trai mình giờ vấn đề ăn uống cũng hay ói. Thân chào và mong chờ kết quả tư vấn. (HUỲNH TRỌNG THÁI, 32 tuổi, Bình Dương)
- BS Trần Ngọc Lưu Phương:
Bao giờ cũng vậy, bất kỳ một bệnh nào khi có nhiều người trong gia đình cùng bị triệu chứng tương tự , chúng ta cần phải xem xét cách sinh hoạt, lối sống và ăn uống có thể ảnh hưởng cho tất cả thành viên trong gia đình, đồng thời còn phải tính đến yếu tố di truyền. Hiện nay, bằng chứng y học đã chứng minh một số rối loạn tiêu hóa như chứng khó tiêu, hội chứng ruột kích thích điều có liên quan đến các yếu tố di truyền. Bên cạnh đó, tình trạng nhiễm HP có thể xảy ra trong một gia đình do lây lan qua đường ăn uống và sinh hoạt chung.
Về di truyền thì rất khó kết luận trong trường hợp của gia đình bạn. Tuy nhiên, có khả năng gia đình bạn có cơ địa dị ứng với một số loại protein có trong động vật và một số loại men vi sinh (ví dụ: men bia...). Ngoài ra, bạn cần xem xét lại chế độ ăn uống và sinh hoạt của cả gia đình bạn cũng có thể ảnh hưởng đến tình trạng khó tiêu của gia đình bạn. Yếu tố thứ ba cần lưu ý là tình trạng nhiễm trùng, nhất là nhiễm vi khuẩn HP vì vi khuẩn này lây theo đường ăn uống. Còn vấn đề di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thì chưa có bằng chứng khoa học chứng minh rõ rệt nhưng đã có những bằng chứng những người bị chứng rối loạn tiêu hóa chức năng gây đầy bụng không tiêu thường cũng có người trong gia đình mắc bệnh tương tự.
Bạn cần:
- Tầm soát tình trạng nhiễm khuẩn HP của các thành viên trong gia đình bạn
- Thay đổi chế độ ăn uống như: hạn chế các loại đồ ăn béo, chiên xào, các thức ăn sống chưa qua chế biến hoặc những thức ăn lạ (đồ biển hoặc thịt rừng)
- Hạn chế các thức ăn cũ vì có thể nhiễm một số loại vi khuẩn hoặc một số chất lạ dù không gây tiêu chảy cấp hay viêm dạ dày cấp nhưng vẫn có thể ảnh hưởng đến tình trạng rối loạn tiêu hóa chức năng.
- Tầm soát tình trạng dị ứng cho cả gia đình bạn...
Chúc bạn mau sớm hết bệnh.
Do thời gian có hạn nên tôi xin phép hẹn độc giả VnExpress ở các lần trao đổi tiếp theo.
VnExpress