Nhóm nhà khoa học tại Đại học California, Irvine (UCI) công bố nghiên cứu mới về tế bào người trên tạp chí Nature Communications hôm 2/6. "Suốt hàng nghìn năm, con người bị hấp dẫn bởi khả năng trong suốt và tàng hình. Điều này đã truyền cảm hứng cho các suy đoán triết học, tác phẩm khoa học viễn tưởng và cả nghiên cứu hàn lâm", tác giả nghiên cứu Atrouli Chatterjee nhận xét.
"Nghiên cứu của chúng tôi hoàn toàn phục vụ cho khoa học. Nó tập trung vào việc thiết kế và chỉnh sửa các hệ thống tế bào, tạo ra các đặc tính kiểm soát được liên quan đến việc truyền, phản xạ và hấp thụ ánh sáng", Chatterjee giải thích.
Một số loài động vật chân đầu không chỉ thay đổi được màu da mà còn có thể kiểm soát độ trong suốt. Ví dụ, nhiều phần cơ thể của mực Doryteuthis opalescens trong suốt, nhưng tinh hoàn của con đực màu trắng và hiện rõ. Vì thế, mực cái né tránh những con đực hung hăng bằng cách biến các mô trong suốt của mình thành đường màu trắng, giả làm con đực.
Mực cái thực hiện điều này nhờ những tế bào đặc biệt chứa một loại protein gọi là reflectin. Khi các phân tử reflectin chia tách nhau, phần lớn ánh sáng sẽ xuyên qua chúng. Nhưng khi tập trung lại bên trong tế bào, chúng tán xạ ánh sáng nhiều hơn, khiến tế bào trở thành màu trắng.
Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia sử dụng tế bào phôi thận của người, loại tế bào vốn trong suốt. Họ nuôi tế bào trong đĩa thí nghiệm và thay đổi gene để khiến chúng tạo ra reflectin. Bằng cách thay đổi độ mặn của môi trường chất lỏng xung quanh tế bào, nhóm nhà khoa học có thể điều khiển reflectin tách ra hoặc tụ lại. Điều này làm thay đổi tỷ lệ ánh sáng chiếu xuyên qua hoặc bị tế bào phản xạ.
Thay đổi độ mặn là cách đơn giản nhất để kiểm soát sự sắp xếp của reflectin. Tuy nhiên, trong tương lai, việc này có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác, theo đồng tác giả Alon Gorodetsky, phó giáo sư ngành kỹ thuật phân tử sinh học và hóa học tại UCI.
Nghiên cứu mở ra khả năng sử dụng reflectin làm chất chỉ thị mới phục vụ nghiên cứu y học và chụp ảnh hiển vi, nhóm chuyên gia cho biết. Bên cạnh đó, họ cũng đang tìm cách chế tạo vật liệu nhân tạo có khả năng thay đổi độ trong suốt.
Thu Thảo (Theo New Scientist)