Khóa học chuyên môn Dạy và Học hợp tác, Ứng dụng Công nghệ số có chương trình học được phát triển theo hình thức chứng chỉ vi mô và triển khai bởi The Mind Lab, một tổ chức giáo dục chuyên đào tạo các chương trình sau đại học của New Zealand. Cơ quan Giáo dục New Zealand (Education New Zealand - ENZ) đã tài trợ các suất học bổng toàn phần cho khóa học này, giúp 20 giáo viên Việt Nam được tuyển chọn có thể trang bị các nền tảng nghiệp vụ để tự tin ứng dụng công nghệ số và các cách tiếp cận đổi mới vào quá trình giảng dạy. Bên cạnh việc học các kiến thức chuyên môn, học viên cũng được yêu cầu thực hiện một bài luận mang chủ đề "Your Education Innovation Plan". Đây là dịp để thầy cô trình bày ý tưởng và kế hoạch trong việc đóng góp cho bộ môn mình đang giảng dạy nói riêng và nền giáo dục Việt Nam nói chung.
Anh Lê Phan Hưng là giảng viên bộ môn Cơ điện tử, khoa Cơ khí chế tạo máy, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. Anh là một trong 20 giáo viên Việt Nam nhận được suất học bổng toàn phần tham gia khóa học này. Xuyên suốt thời gian học, anh để lại nhiều dấu ấn với các giảng viên của The Mind Lab, đặc biệt là thông qua bài luận cuối khóa nhằm phát triển bộ môn anh đang trực tiếp giảng dạy tại trường là hai môn Thí nghiệm Công nghệ Thủy lực và Khí nén và môn Lý thuyết Công nghệ Thủy lực và Khí nén.
Dưới góc độ giảng viên, anh Phan Hưng nhận thấy khóa học bài bản và thực tế. Các kỹ năng và kiến thức đều cần thiết cho giáo viên để nâng cao chất lượng giảng dạy như các lý thuyết học tập, lập kế hoạch đổi mới giáo dục, giáo trình kỹ thuật số và năng lực kỹ thuật số... "Khóa học giúp tôi có cái nhìn từ chi tiết đến tổng thể quá trình dạy và học, đặc biệt là tính hợp tác và tính bền vững", anh nói.
Theo chia sẻ từ ban tổ chức, năm nay, các giáo viên Việt Nam đã gây ấn tượng tốt với đội ngũ giảng viên của chương trình qua các bài luận cuối khóa. Ông Phạm Đình Trực, Giám đốc Sau đại học của The Mind Lab chia sẻ rất khó để chọn ra chủ đề nổi bật nhất, bởi bài luận của các học viên đều mang nhiều công sức và gắn với thực tế giảng dạy của từng cá nhân. "Tuy nhiên, chúng tôi rất ấn tượng bởi các học viên biết ứng dụng kiến thức của khóa học để lên kế hoạch cho bài giảng đa dạng và giúp người học phát triển kỹ năng cần thiết cho nền công nghiệp số hiện đại", ông cho biết thêm.
Cũng là học viên tham gia khóa học lần này, chị Phạm Trần Kim Chi - Nhà thực hành Tâm lý học tích cực có xuất phát điểm là kỹ sư ngành công nghệ thông tin. Vì thế, chị mong muốn thiết kế một ứng dụng gamification (trò chơi điện tử ứng dụng hóa) - nơi mà ở đó, phụ huynh học kiến thức làm cha mẹ một cách hệ thống và thực hành
. Tâm huyết này đã đưa chị đến với khóa học "Dạy và Học hợp tác, Ứng dụng Công nghệ số". Trong suốt 15 tuần, chị đã tận dụng những kiến thức hữu ích của để hiện thực hóa kế hoạch của mình. Chủ đề của bài luận cuối khoa là cơ hội để chị ứng dụng công nghệ vào giáo dục và đưa gamification trong tương lai gần trở thành kênh thông tin tin cậy cho cha mẹ, giúp họ có thể tương tác để học và ứng dụng thực tế.
Cũng theo chị Kim Chi, khóa học phù hợp với bất cứ ai làm công tác giảng dạy, giáo dục dù đang ở vị trí nào. "Với khoá học, các thầy cô được gợi ý những ứng dụng những công cụ công nghệ sẵn có để làm sinh động bài học. Đồng thời, học viên được cung cấp những kiến thức nền tảng để nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích hành vi học tập của người học trong thời đại mới, để từ đó có những ứng dụng sâu hơn, hệ thống hơn", chị cho biết.
Trong vai trò là người dẫn dắt các học viên trong khóa "Dạy và học hợp tác, Ứng dụng công nghệ số", bà Darcy Võ, Giám đốc sau đại học của The Mind Lab cảm nhận được những trăn trở của học viên vì những hạn chế về cơ sở hạ tầng về công nghệ ở địa phương khi thực hiện tích hợp công nghệ vào giáo dục. Tuy nhiên, các học viên cũng thể hiện tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề nhằm vượt qua những rào cản và nỗ lực đem những phương pháp giảng dạy mới cải thiện việc dạy và học.
Quá trình gặp gỡ với các học viên và đánh giá bài làm của học viên giúp bà thấy được tinh thần nhiệt huyết và mong muốn phát triển nghề nghiệp của họ, cũng như cải thiện các môn học mà giáo viên phụ trách để giúp học sinh tích cực hơn trong việc học. "Tất cả những yếu tố, thông tin, góc nhìn đó không chỉ truyền cảm hứng cho chúng tôi để tiếp tục đi trên con đường hỗ trợ giáo dục Việt Nam hội nhập và vươn lên trong thời đại số mà còn giúp chúng tôi hiểu rõ hơn cách tiếp cận và hỗ trợ các giáo viên và giảng viên ở Việt Nam một cách hiệu quả", bà Darcy Võ nhấn mạnh.
Ngọc Minh
Tháng 10, Tổ chức giáo dục The Mind Lab sẽ tham gia Triển lãm Giáo dục New Zealand 2022 được tổ chức bởi ENZ.
Tại đây, người tham gia sẽ có cơ hội:
- Tư vấn trực tiếp về lộ trình đào tạo và các lựa chọn du học từ hơn 40 trường hàng đầu New Zealand.
- Cập nhật thông tin mới nhất về du học New Zealand và các chính sách thị thực, hỗ trợ dành cho sinh viên quốc tế cùng cơ hội học bổng.
- Tham gia hội thảo chuyên đề với những chủ đề thông tin học bổng, sản xuất và kinh doanh bền vững, định hướng nghề nghiệp.
- Chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ cựu du học sinh New Zealand.
- Nhận quà tặng hấp dẫn chỉ có tại triển lãm.
Sự kiện sẽ tổ chức vào:
8h - 12h, thứ bảy ngày 29/10, Melia Hotel, Hà Nội
8h - 13h, chủ nhật ngày 30/10, Le Meridien Hotel, TP HCM
Để tìm hiểu thêm thông tin chi tiết và đăng ký tham gia, truy cập tại đây