Hơn hai năm kể từ ngày mẹ bỏ đi, người cha nghiện thuốc phiện cũng bặt vô âm tín, ba chị em Lò Thị Nguyệt 16 tuổi, Lò Thị Tuyết 11 tuổi và Lò Đức Khải 4 tuổi chỉ còn biết bấu víu vào bà nội ở bản Na Su, xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông.
Những ngày bà còn khỏe, Tuyết và Nguyệt vẫn học bán trú, cuối tuần về. Em trai đi mẫu giáo trong bản. Gia đình toàn người già với trẻ nhỏ, không có sức lao động nên bốn bà cháu sống dựa vào lòng tốt của dân bản, họ hàng. Cơm ngày hai bữa đều độn rau sắn, hiếm khi có thịt nhưng gia đình vẫn vui bởi bà cháu có nhau.
Sang năm học 2023-2024 gần hai tháng, Tuyết khi đó là học sinh lớp 6 trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tìa Dình, xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, một mực xin thầy chủ nhiệm cho nghỉ học. Cô bé khẳng định muốn tiếp tục đến trường nhưng hoàn cảnh không cho phép bởi bà sức khỏe yếu, em trai còn nhỏ. Bản thân Tuyết cũng không muốn chị gái phải bỏ học giữa chừng bởi sắp tốt nghiệp.
"Sau này khi bà khỏe, Khải vào lớp một, em sẽ đi học lại chứ không muốn nghỉ hẳn", Tuyết nghẹn lời.
Nghe học trò tâm sự, thầy hiệu trưởng Khương Cao Quyền không khỏi xót xa và nảy ý định nhận nuôi hai chị em Tuyết giúp gia đình giảm gánh nặng. Kế hoạch của thầy được Phòng giáo dục huyện, ban giám hiệu nhà trường và Bí thư chi bộ bản Na Su đồng thuận.
Nhưng bà nội Tuyết phản đối bởi lý do cháu đi xa sẽ nhớ. Thậm chí chị gái Lò Thị Nguyệt nói sẽ nghỉ học để hai em đến trường.
"Nhưng nếu chọn một trong hai cách trên chị em Tuyết và Nguyệt sớm muộn cũng bỏ học. Một khi đã nghỉ, cơ hội các em quay lại trường rất thấp bởi cuốn vào vòng xoáy mưu sinh, nên tôi nhiều lần xuống bản thuyết phục gia đình", thầy Quyền kể.
Để bà nội ngoài 70 tuổi an tâm, thầy Quyền đề nghị đón Tuyết và Khải về trường, bố trí nơi sinh hoạt riêng. Cuối tuần các thầy cô sẽ đưa hai em về bản thăm bà, sáng đầu tuần đón lên trường. Chị cả Lò Thị Nguyệt tiếp tục đến xã Mường Nhà, huyện Điện Biên học, nếu cần hỗ trợ kinh tế nhà trường sẽ giúp đỡ. Riêng bà nội nhờ họ hàng và người dân trong bản chăm sóc.
Thấy ba cháu vẫn được đi học, cơm ngày ba bữa đủ thịt cá, người bà ngoài 70 tuổi gật đầu. "Tôi không muốn xa các cháu nhưng chúng được đi học là mừng", bà tâm sự với thầy.
Căn phòng 20 m2 trong khu tập thể giáo viên cách trường 200 m được sửa sang, kê thêm giường, bàn học, làm chỗ ở cho chị em Tuyết. Song song, thầy Quyền làm thủ tục chuyển Khải xuống trường mầm non ở trung tâm xã. Toàn bộ tiền ăn, quần áo hay phí sinh hoạt cá nhân của chị em Tuyết đều do hơn 20 thầy cô giáo tự nguyện đóng góp. Các khoản phát sinh, thầy Quyền sẽ lo liệu.
Thời gian đầu mới về trường, biết Tuyết và Khải chưa quen, các giáo viên luân phiên qua lo bữa ăn, giấc ngủ. Mỗi sáng, cậu bé 4 tuổi được thầy cô cho ăn sáng, đưa đến lớp mẫu giáo, tối đón về trường cùng chị gái ăn cơm. Về phòng, cô bé 11 tuổi tắm cho em, chủ động dọn dẹp nhà, giặt giũ quần áo. Đợi em trai ngủ, Tuyết mới mở sách vở ôn bài.
Đầu năm 2024, bà nội của Tuyết qua đời, hai đứa trẻ về bản chịu tang. Hết Tết thầy cô lại xuống an ủi, thuyết phục chị em Tuyết trở lại trường. Khác với những lần về trường trước, Tuyết nói chuyến này không thấy dáng bà ngồi ngoài cửa, không được nghe lời nhắc nhở phải ngoan, học giỏi, nghe lời thầy cô. Nhưng cô bé 11 tuổi nói luôn nhớ và hứa làm đúng lời bà dặn.
Từ ngày bà mất, chị em Tuyết ít khi về bản ngày cuối tuần. Sợ học trò buồn, thầy Quyền thường đón hai em về nhà ăn cơm, sinh hoạt cùng gia đình. Căn nhà có bốn người nay chào đón thêm hai thành viên mới. Vợ thầy thường xuyên mua quần áo mới, bánh kẹo và dành riêng một phòng cho chị em Tuyết mỗi khi về.
"Ở nhà với thầy cô thích lắm, em có cảm giác như ngày còn được ở cùng bố mẹ", Tuyết khoe.
Thầy Phạm Văn Doãn, giáo viên chủ nhiệm của Tuyết, nói gia đình em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. "Biết tin nhà trường nhận nuôi hai chị em Tuyết, bản thân tôi và các thầy cô đều phấn khởi, mừng cho học sinh. Người quyên góp tiền, người tặng quần áo, giày dép, sách vở mỗi thầy cô gom góp một ít nhưng đổi lại các con sẽ có cuộc sống tốt hơn khi tiếp cận tri thức", thầy Doãn nói.
Hơn 5 tháng về trường, Tuyết và Khải dần quen với nếp sống mới, thi thoảng em cũng xin thầy chủ nhiệm gọi điện cho chị gái để tâm sự. Cả ba hẹn đến hè sẽ cùng về bản để dọn dẹp nhà cửa, hương khói cho bà trước khi bắt đầu năm học mới.
Về phía nhà trường, nhận trách nhiệm nuôi hai đứa trẻ cũng gặp không ít khó khăn nhưng thầy Quyền nói nếu đồng lòng, hợp sức ắt sẽ vượt qua. Bước đầu, thầy cô sẽ lo liệu để Tuyết và Khải học hết lớp 9. Xa hơn, nếu các em có nguyện vọng học lên cấp ba hoặc học nghề, nhà trường sẽ tính toán trong khả năng và tiếp tục lo liệu.
"Chỉ cần các em có ý thức, quyết tâm thì học cao hơn nữa chúng tôi cũng gắng sức", hiệu trưởng nhà trường nói.
Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Điện Biên Đông, cho biết trước khi nhận nuôi chị em Tuyết, ban giám hiệu trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tìa Dình đã bày tỏ nguyện vọng lên Phòng.
"Mong muốn lớn nhất của các thầy cô là không để học sinh bỏ học nên cùng chung tay góp sức. Trên toàn địa bàn huyện đây là trường duy nhất có các thầy cô nhận nuôi học sinh có hoàn cảnh khó khăn", bà Hường nói.
Tiếp thêm động lực đến trường cho trẻ em vùng cao, Quỹ Hy vọng – báo VnExpress tiếp tục nhận quyên góp trong chương trình Ánh sáng học đường. Mỗi sự chung tay của quý độc giả là thêm một tia sáng gửi thế hệ tương lai. Quý độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.
Quỳnh Nguyễn