"Các bạn chép toàn bộ lời giải mà ChatGPT đưa ra, không cần biết có phù hợp với kiến thức mình học hay cách giáo viên hướng dẫn hay không", thầy Chung, giáo viên Toán tại một trường THCS tư thục ở Hà Nội, nói. "Đây là hành vi lạm dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI), rất nguy hiểm".
Theo thầy Chung, tình trạng sử dụng ChatGPT, Grok, Deepseek... xảy ra ở tất cả lớp mình dạy, từ khối 6 đến 9. Dấu hiệu khiến thầy nhận biết là lời giải dùng phương pháp không phù hợp với chương trình, chủ yếu là vượt cấp. Thầy nhiều lần nhắc học sinh và cảnh báo với phụ huynh, song thấy không suy giảm.
Cô Lưu Thị Thu Hà, giáo viên Ngữ văn, trường THPT Việt Đức, Hà Nội, cũng lo ngại khi bắt gặp các bài làm lạc đề, "tốt bất thường" hoặc có cách diễn đạt hoa mỹ, xa lạ với người Việt. Cô nhận định học sinh đã hỏi AI, sau đó chép lại nguyên văn mà không có sự vận dụng, thay đổi phù hợp với yêu cầu của đề.
Đang chủ nhiệm một lớp 12 và dạy hai lớp 10, cô Hà thấy điều này thường xảy ra ở nhóm học sinh có học lực trung bình và khá, ngại suy nghĩ. Các em hay dùng AI khi làm các bài nghị luận xã hội. Tác động dễ thấy nhất là các em thụ động hơn, có thể "thích đi lối tắt". Thay vì mày mò các bước để hiểu trọn vẹn gốc rễ vấn đề, học sinh sẽ chọn tìm ra kết quả luôn, dù không hiểu.
"Trong khi điều này rất quan trọng để hình thành tư duy phản biện", cô Hà nhìn nhận.
Theo PGS Trần Thành Nam, phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, có ba lý do dẫn tới tình trạng này. Một là áp lực học tập, sự căng thẳng của các em khi phải đối mặt khối lượng bài tập lớn cùng kỳ vọng của bố mẹ, thầy cô.
"Trong khi đó, AI không cáu gắt, chê bai và hỗ trợ các em mọi lúc", ông ví von.
Hai là học sinh chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng, nên tin tưởng AI là công cụ "toàn năng và đáng tin cậy". Ba là Việt Nam chưa có khung quy định về đạo đức hay pháp lý rõ ràng khi sử dụng AI.
Dù vậy, các nhà giáo đánh giá cấm học sinh dùng AI là không thực tế, khi các công cụ này len lỏi vào mọi khía cạnh của đời sống, gồm cả giáo dục. Trên thế giới, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Mỹ... giảng dạy AI cho học sinh từ lớp 1.
"AI là xu thế không thể cưỡng lại, đồng nghĩa rằng không thể cấm học sinh mà ngược lại, cần khuyến khích các em tiếp cận AI một cách tích cực và có định hướng, nếu không muốn tụt hậu so với quốc tế", TS Trương Đình Thăng, Hiệu Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, Phó Chủ tịch Hội đồng liên ngành Tâm lý học, Giáo dục học của Quỹ Nafosted, nhìn nhận.

Học sinh lớp 7 dùng phương pháp đạo hàm của lớp 12 để giải bài tập - giáo viên đánh giá học sinh đã dùng AI hỗ trợ mà không kiểm tra lại. Ảnh: Giáo viên cung cấp
Để tránh việc học sinh lạm dụng, mà ngược lại có thể tận dụng hiệu quả AI trong học tập, điều kiện tiên quyết là giáo viên phải hiểu biết và sử dụng thành thạo công cụ này, theo các nhà sư phạm.
Theo ông Thăng, nếu không, họ sẽ không thể nắm được học sinh đang ứng dụng AI thế nào, khó đánh giá được mức độ lạm dụng hay sáng tạo và càng không thể hướng dẫn các em dùng nó hiệu quả và trách nhiệm.
"Giáo viên không cần phải là chuyên gia công nghệ, nhưng cần chủ động học hỏi và trải nghiệm các công cụ AI phổ biến, như ChatGPT, Gemini, Copilot, Grammarly, Canva AI...", ông nói. "Ngoài ra, họ cần hiểu được lợi ích, hạn chế và rủi ro đạo đức của AI trong môi trường học đường".
PGS Trần Thành Nam đồng tình. Ông cho rằng các trường cần tập huấn cho giáo viên và nhấn mạnh vai trò của thầy cô trong định hướng cho học sinh. Trường học cũng cần nâng cao nhận thức cho học sinh và phụ huynh về lợi ích và rủi ro của nó.
Cả hai đề xuất các trường thiết lập quy tắc sử dụng AI trong lớp học. Chẳng hạn, học sinh chỉ được dùng AI ở những nội dung được phép, phải trích dẫn... Về phía giáo viên, khâu đánh giá có thể dùng cả quá trình và sản phẩm cá nhân hóa, kèm ghi chú, phản biện. Hoặc giáo viên kiểm tra bài bằng hình thức vấn đáp, yêu cầu thuyết trình, tranh biện để nhận biết mức độ hiểu bài của học sinh, giảm nguy cơ "học vẹt bằng AI".
Về cách sử dụng AI, ông Lê Anh Dũng, cố vấn của công ty phần mềm ZTO Labs, gợi ý giáo viên dạy học trò cách đặt câu hỏi cho AI, kỹ năng kiểm tra thông tin; chia sẻ về các giai đoạn, dạng bài phù hợp để dùng AI, như gợi ý ý tưởng, thay vì làm bài hộ. Thầy cô cũng có thể sử dụng các phần mềm kiểm tra đạo văn để học sinh thấy những hạn chế của AI trong việc sao chép nội dung.
Đây cũng là những cách mà thầy Chung và cô Thu Hà nghĩ đến. Thầy Chung đang xây dựng bộ câu hỏi "mệnh lệnh" cho học sinh nếu dùng AI, có tính gợi mở. Thầy ví dụ, thay vì yêu cầu AI giải bài tập, thầy hướng dẫn các em hỏi "nên dùng công thức, phương pháp nào để giải bài này?" kèm thông tin về cấp độ. Ngoài ra, các em được dùng AI để thu thập tài liệu và các bài tập liên quan để luyện tập.
"Nếu biết cách biến AI thành công cụ hỗ trợ thay vì lệ thuộc vào nó, học sinh vừa tiết kiệm được thời gian học, hiểu bài hơn mà tư duy không bị ảnh hưởng", thầy Chung nói.
Còn cô Thu Hà tăng cường kiểm tra trực tiếp trên lớp - khi học sinh không có máy tính, điện thoại. Với những học sinh chưa chủ động, ỷ lại AI, cô thông báo với phụ huynh để gia đình lưu ý các em.
Thanh Hằng