Những ai đã từng soạn thảo các bản báo cáo, tổng kết cho cơ quan, tổ chức, tập thể chắc sẽ đồng tình với tôi rằng một trong những phần khó nhất của bản báo cáo là phần nhìn nhận hạn chế và khuyết điểm. Mặc dù báo cáo nào cũng gồm ưu và khuyết, nhưng tỷ lệ nội dung của hai phần này dường như chẳng bao giờ cân bằng với phần thắng thế luôn thuộc về các ưu điểm.
Một điều dễ gặp ở các báo cáo đó là những cái “chưa” xuất hiện rất thường xuyên. Với cá nhân thì “chưa hoàn thành tốt một số nhiệm vụ”, với tập thể thì “chưa hoàn toàn đáp ứng được nguyện vọng của người dân”. Bên cạnh đó, người ta còn thêm các trợ từ nhằm làm giảm nhẹ tính chất của những cái chưa. Ví dụ, thay vì nói: “20% cán bộ làm không chấp hành kỷ luật” thì ta lại nói: “một bộ phận cán bộ chưa thực sự chấp hành kỷ luật một cách nghiêm túc”. Cứ như thế, văn hóa “chưa” từ lâu đã trở thành một phần tất yếu của báo cáo.
Có những khi tôi đã tự hỏi mình, bằng cách nào chúng ta biết có một bộ phận làm việc không tốt? Chúng ta có đánh giá bằng những tiêu chí cụ thể và phân chia ra trường hợp tốt, trung bình, yếu hay không? Và nếu có thì tại sao không thể trả lời rõ ràng một bộ phận đó là những ai, chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm? Trong tiếng Việt, “chưa” là một từ để hứa hẹn về điều không hề có trong quá khứ, rằng nó sẽ được xảy đến trong tương lai. Nhưng các báo cáo nói về một quá trình đã đi qua, tại sao lại không thể làm một điều rất đơn giản, đó là thay “chưa” bằng “không”. Khi ấy, kém sẽ là kém, mà không phải “chưa thực sự tốt”. Dở sẽ là dở, chứ không phải “chưa hoàn toàn hay”.
Câu chuyện này làm tôi nhớ đến một thày giáo dạy Toán của mình khi còn đi học. Dạy học lớp tôi trong 2 năm nhưng thày chưa một lần bỏ qua phần kiểm tra bài cũ. Mỗi lần được thày gọi lên bảng mà không học bài thì tụi học sinh chúng tôi cũng thường tìm cách để né tránh vấn đề. Nhưng quy tắc của thày rất đơn giản. Học trò nào nói “chưa học bài” thì nhận điểm 0, học trò nào nói “không học bài” sẽ nhận điểm 2. Nguyên nhân là cả “chưa học” và “không học” đều xứng đáng nhận điểm zero, nhưng điểm 2 khuyến khích dành cho người trung thực và dũng cảm nhận lỗi của mình.
Quả thực khi đó tôi cũng sợ phải trả bài với thày dạy Toán, nhưng càng về sau tôi mới hiểu về cách đánh giá của thày. Tôi nghĩ vấn đề không chỉ nằm ở cách diễn đạt, mà quan trọng hơn là thái độ của mỗi cá nhân hay tập thể khi nhìn vào thiếu sót của mình. Chỉ có những ai dám can đảm nhìn thẳng vào sự thật thì mới có cơ hội tiến bộ trong tương lai. Cái nhìn thẳng ấy, thường thì chẳng ai bắt tội. Đôi khi nó chỉ bắt đầu từ một chữ “không” đơn giản, nhưng cũng có khi đòi hỏi sự gan dạ cùng mình, vì nó khiến chúng ta tổn thương, phải trầy vi tróc vảy để nói ra và sửa đổi.
Ngược lại, tôi cũng rất thông cảm với những ai viết ra các báo cáo, vì nêu ưu điểm thì dễ, nêu càng cụ thể càng tốt, nhưng nói đến nhược điểm thì rất dễ đụng chạm. Đôi khi người viết phải ngồi vắt óc suy nghĩ cách viết sao cho vừa là nhược điểm, mà nó lại không hẳn là nhược điểm. Ví dụ như:“kết quả công tác chưa có sự phát triển vượt bậc”, “đời sống của người lao động chưa được cải thiện đáng kể”, “tình hình giải quyết khiếu nại chưa đạt được sự chuyển biến to lớn dù đã có nhiều cố gắng”… Như thế, người nghe ai cũng phải gật gù mà lại chẳng bị mất lòng. Những cái sai, cái xấu vẫn tồn tại đâu đó, rất tỏ mà lại rất mờ, rất dễ thấy mà cũng rất khó thấy, như một căn bệnh âm ỉ đang chờ đợi liều thuốc của sự chân thành, trung thực.
Tôi nghe chuyện ở thành phố Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố công khai lên truyền hình đối thoại, nhận lỗi với dân, bèn liên tưởng đến một câu ngạn ngữ của người Triều Tiên: "Nước suối có trong, nước sông mới sạch". Nếu ngay trong tư tưởng của các tổ chức, của những nhà lãnh đạo thiếu đi sự thành thật, thì thật khó để mong chờ ở ý thức của người dân, của toàn xã hội. Và những cái “chưa” như thế, vẫn cứ là chưa mà chẳng thể hóa “rồi”.
Chu Ngọc Cường