Một kênh YouTube về bói toán nổi tiếng với 195.000 người đăng ký ra mắt ngày 25/9, nơi ba pháp sư, được gọi là "mudang" trong tiếng Hàn, ngồi trước máy quay, nhanh chóng trả lời các câu hỏi của người xem. Trong hai giờ, họ xem bói cho hơn 60 người mà không tính phí.
Ở Hàn Quốc, bói toán đang bùng nổ trên môi trường trực tuyến, đặc biệt là trong nhóm tuổi 20 và 30.
Trong khi các trung tâm bói toán truyền thống như khu phố Miari ở quận Seongbuk, Seoul đang suy tàn, các nền tảng trực tuyến trở thành điểm đến mới cho các dịch vụ này.
Phát trực tiếp là một trong những định dạng chính, nơi họ cung cấp nội dung miễn phí để thu hút sự quan tâm và sau đó khuyến khích người xem trả tiền để được tư vấn chuyên sâu hơn.
Video trên YouTube cũng là công cụ quảng cáo chính cho các doanh nghiệp bói toán. "Ít người bước vào các cửa hàng bói toán chỉ vì nhìn thấy biển hiệu. Hầu hết họ liên hệ sau khi nhìn thấy chúng tôi trên YouTube", một thầy bói ở quận Seongbuk, cho biết.
Nhu cầu về các kênh YouTube của các thầy bói và pháp sư cao đến mức các công ty sản xuất video được hưởng lợi.
Một thầy bói 60 tuổi đăng ký kinh doanh bói toán trên Naver Maps cho biết các công ty sản xuất video gọi ông nhiều lần mỗi ngày để yêu cầu làm video trên YouTube.
Sự quan tâm đến các ứng dụng bói toán cũng đang tăng lên. Theo Innoforest, một công ty phân tích khởi nghiệp, lượng khách truy cập duy nhất hàng tháng vào ứng dụng bói toán Jeomsin tăng gấp đôi từ 524.000 từ 3/2022 lên 1.129.000 vào tháng 8/2024.
Một ứng dụng bói toán phổ biến khác, Forceteller, cũng chứng kiến lượng người truy cập tăng gần gấp đôi 288.000-521.000 trong cùng kỳ.
Tính đến tháng 8, hơn 54% người dùng dịch vụ trả phí của Forceteller là phụ nữ ở độ tuổi 2, và 29% khác ở độ tuổi 30. Người dùng Jeomsin cũng có đặc điểm nhân khẩu học tương tự.
Sim Kyung-jin, đồng giám đốc điều hành của Innofrest và nhà phát triển Forceteller, cho biết người trẻ, đặc biệt là phụ nữ, dùng ứng dụng bói toán vì thấy vừa lo lắng vừa hy vọng vào tương lai. Họ bị thu hút bởi các ứng dụng cung cấp các bài bói được cá nhân hóa.
Nền tảng lớn như Kakao và Naver đang kiếm tiền từ bói toán. Một tìm kiếm đơn giản về ''bói toán tâm linh'' trên KakaoTalk mở hơn 800 phòng trò chuyện, hầu hết có tiêu đề ''Bói toán tâm linh miễn phí'', ''Tử vi'', ''Lời khuyên về tình yêu'', ''Giải mã giấc mơ''.
Các phòng chat thường thu hút bằng các buổi tư vấn miễn phí, sau đó chuyển sang trả phí. Trên nền tảng Expert của Naver, có 18.055 sản phẩm và 4.549 chuyên gia được liệt kê trong các dịch vụ bói toán, tarot và đặt tên. Con số này vượt xa 2.432 sản phẩm và 927 chuyên gia trong các danh mục tâm lý học, kiểm tra MBTI và liệu pháp nghệ thuật.
Ưu điểm lớn nhất của dịch vụ bói toán trực tuyến là khả năng tiếp cận. Khi một người tham gia phòng trò chuyện mở KakaoTalk hỏi liệu họ có nên tiếp tục theo đuổi chuyên ngành hay theo đuổi một con đường sự nghiệp mới, họ nhận được câu trả lời ngay lập tức: "Bạn sẽ không hài lòng nếu tìm được việc làm trong lĩnh vực hiện tại".
Không cần phải đặt lịch hẹn hoặc đến gặp thầy bói trực tiếp, lời khuyên được cung cấp chỉ trong vài giây.
Kang, một sinh viên đại học 23 tuổi sử dụng dịch vụ xem bói trực tuyến, cho biết cô có thể lưu giữ bản ghi âm hoặc bản giải thích bằng văn bản mãi mãi. Nếu đến trực tiếp, cô hay quên những gì thầy bói vừa nói.
Tuy nhiên, bản chất vốn có của việc xem bói khiến việc đánh giá tính chuyên nghiệp hoặc độ tin cậy của nhà cung cấp dịch vụ trở nên khó khăn.
Ngay cả một số pháp sư cũng bày tỏ lo ngại về sự gia tăng của bói toán trực tuyến. Một pháp sư ngoài 30 tuổi ở thành phố Bucheon, tỉnh Gyeonggi, cho biết không có hệ thống chứng nhận nào dành cho pháp sư, vì vậy chất lượng không được đảm bảo. Nhiều video trên YouTube được viết kịch bản hoặc dàn dựng.
Sự gia tăng của quảng cáo trực tuyến cũng dẫn đến chi phí nghi lễ tăng. Một pháp sư ở Nonhyeondong, Gangnam, Seoul, cho biết chi phí sản xuất quảng cáo trên YouTube rất lớn nên họ phải tăng phí nghi lễ và xem bói để bù đắp.
Nhật Minh (Theo Hankook Ilbo)