Trao đổi xung quanh vấn đề lao động - việc làm tại lễ công bố số liệu 6 tháng, ngày 27/6, đại diện ngành thống kê cho biết khái niệm thất nghiệp ở Việt Nam được hiểu là những người hoàn toàn không làm việc trong 7 ngày, nếu làm việc một giờ cũng không thuộc dạng thất nghiệp. "Thử hỏi như vậy, có ai trong 1 tuần không làm việc một giờ hay không, do đó, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam thấp là hoàn toàn đúng", ông Đỗ Thức phát biểu.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2013, tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước là 2,28%. Trước đó, năm 2012 tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở 1,99%, giảm so với mức 2,8% và 2,2% của năm 2010 và 2011.
Giải thích cho việc tỷ lệ thất nghiệp năm nay lại tăng lên trong khi năm trước giảm, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng những năm trước lao động chuyển từ khu vực chính thức sang phi chính thức với điều kiện kinh doanh rất bấp bênh, song đến năm 2013, những người lao động thấy khu vực này hiệu quả thấp nên họ chuyển sang không làm gì, khiến cho tỷ lệ thất nghiệp lại tăng lên.
Trước đó, những băn khoăn về số liệu thất nghiệp được nói tới nhiều khi đại biểu tỏ ý nghi ngờ về tính chính xác của con số này trên Quốc hội. Cụ thể, tại phiên thảo luận Hội trường ngày 30/5, đại biểu Nguyễn Văn Hiến cho rằng các con số như được cài đặt. Bởi với 50.000 doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp giảm quy mô thì tỷ lệ thất nghiệp đáng ra phải tăng nhưng báo cáo cho thấy, tỷ lệ này lại giảm dần trong 3 năm qua, từ 2,8% năm 2010 xuống 1,99% năm 2012.
Lý giải cho vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng phần lớn doanh nghiệp mới thành lập sử dụng lao động từ khu vực nông thôn chuyển sang, khi công ty giải thể, phá sản, số lao động này lại quay về làm nông nghiệp.
Mặt khác, những đơn vị giải thể thường có quy mô nhỏ, chỉ có vài chục đến vài trăm lao động, trong khi một số dự án lớn như Samsung có thể thu hút số lao động gấp nhiều lần ở đơn vị vừa phá sản, bà chia sẻ.
Huyền Thư